Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén


Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Hôm nay (30/6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, một số giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2011.

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH và ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra với nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP và báo cáo Bộ Chính trị ra Kết luận 02/KL-TW và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 59/NQ-QH12, với các nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Mức bội chi thấp nhất mấy năm gần đây

Tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện những “điểm sáng” như giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,3% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng, xuất khẩu tăng cao gấp 3 lần kế hoạch, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ…

Kết quả thu – chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm cho thấy, hết tháng 6/2011 tổng thu ngân sách đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán. Chi ngân sách đạt 355.600 tỷ đồng, đạt 49% dự toán. Như vậy, bội chi ngân sách 6 tháng là 27.780 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Đây là mức bội chi thấp nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây.

Đặc biệt, thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; thu chi ngân sách đạt khá, bội chi giảm; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đang chậm lại; cắt giảm đầu tư công có hiệu quả nhưng vẫn tăng đầu tư cho “tam nông”; đã có những giải pháp hữu hiệu để kiềm chế tăng giá của thị trường bất động sản; an sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; quốc phòng – an ninh được tăng cường và giữ vững…

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đó là, lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn khó khăn, tăng trưởng đạt thấp; thị trường chứng khoán sụt giảm; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn…

Phấn đấu một số chỉ tiêu cơ bản

Về những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho rằng, cần tập trung quyết liệt vào điều hành một số chính sách lớn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Theo đó, cần thực hiện nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cũng như chính sách tài khóa thắt chặt phối hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm để nâng cao năng lực, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với chính sách thương mại, giá cả, thị trường, tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, ổn định thị trường, bảo đảm ổn định cung – cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện kiên trì và nhất quán điều hành giá xăng dầu, điện, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Với việc ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ cho rằng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản năm 2011 là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP.

Cần những giải pháp chiến lược dài hạn, vững chắc hơn

Thảo luận về các báo cáo trên, nhiều đại biểu đồng tình với các chính sách điều hành linh hoạt, nhạy bén của Chính phủ trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế hiện nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng, sự điều hành của Chính phủ đã tạo niềm tin của nhân dân, nhất là đối với các chính sách an sinh xã hội, tạo ổn định về mặt chính trị – xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhìn nhận, những kết quả về KT-XH trên chỉ mới là kết quả bước đầu. Nền kinh tế còn đối diện nhiều thách thức, khó khăn, do đó, cần có những giải pháp kiên quyết hơn nữa.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, song song với những giải pháp mang tính tình thế, ngắn hạn, Chính phủ cần chú trọng đến các giải pháp chiến lược mang tính dài hạn như công tác quy hoạch, kế hoạch, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, hạn chế nhập siêu, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có thế mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, minh bạch hóa hệ thống tài chính, tránh đầu cơ, tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, cần tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh quản lý về giá cả, thị trường.

Điều khiển phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, bên cạnh những “điểm sáng” về thu ngân sách, tăng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp…, nền kinh tế nước ta cũng nổi lên những vấn đề lớn cần sớm được khắc phục. Đó là lạm phát tăng cao, lãi suất huy động và cho vay đều tăng, nhập siêu vẫn cao…

Vì thế, với 6 tháng cuối năm cần tính toán các tình huống khác nhau của nền kinh tế để có giải pháp vững chắc hơn. Bên cạnh đó, tăng tính đối thoại, trách nhiệm giải trình của các cơ quan hữu quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong xã hội.

Lê Sơn


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kiểm tra dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang


Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang phải cơ bản hoàn thành các hạng mục hệ thống hồ Ngàn Trươi, hệ thống kênh mới trong năm 2014.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kiểm tra dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kiểm tra dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang

Sáng 29/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành liên quan về Dự án Hệ thống thủy lợi trọng điểm Ngàn Trươi – Cẩm Trang.

Dự án Hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang phục vụ việc cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh… của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó cụm công trình đầu mối là Hồ chứa nước Ngàn Trươi trên sông Ngàn Trươi tại thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, với quy mô dung tích hồ chứa hơn 775 triệu m3 nước.

Khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp nước cho mỏ sắt Thạch Khê và các khu công nghiệp, tưới hơn 32 nghìn ha đất canh tác nông nghiệp ở các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân…, nuôi trồng gần 6 nghìn ha thuỷ sản, giảm lũ và cải tạo môi trường sinh thái hạ du.

Tính từ khi khởi công (14/6/2009) đến nay, dự án đang chậm tiến độ do nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thi công toàn bộ cụm công trình đầu mối chậm so với yêu cầu gần 7 tháng và nguồn vốn hạn hẹp.

Bên cạnh đó, địa chất tại vị trí công trình đầu mối phức tạp, đặc biệt là việc thiết kế công trình xả lũ, đòi hỏi các chuyên gia và đơn vị tư vấn phải đưa ra những giải pháp khoa học công nghệ để đảm bảo an toàn và kinh phí xây dựng.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo về tiến độ Dự án, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, đây là công trình nằm trong kế hoạch đầu tư các công trình thuỷ lợi trọng điểm của Trung ương. Công trình này sẽ phục vụ lợi ích cả công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ điện và liên quan tới 8 huyện, thị xã của tỉnh Hà Tĩnh.

Việc các đơn vị lúng túng trong công tác giải phóng mặt bằng cần được khắc phục ngay từ đầu, không nên để khi nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp mới bắt bắt đầu giải quyết, làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc các đơn vị đã kịp thời điều chỉnh quy hoạch để thúc đẩy tiến độ, giảm thiệt hại diện tích lúa, xây dựng phương án tối ưu giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân tái định cư, các biện pháp thiết kế, thi công cũng đã được tiến hành khẩn trương.

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh rà soát lại quy hoạch cấp nước với tất cả các dự án trên địa bàn, đảm bảo điều tiết nguồn nước hợp lý.

Về tiến độ của dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu, hợp phần hệ thống kênh, mương tới đầu năm 2013 phải bắt đầu tích nước. Dự án phải cơ bản hoàn thành các hạng mục hệ thống hồ Ngàn Trươi, hệ thống kênh mới trong năm 2014.

Trước mắt, ưu tiên xây dựng 20 km kênh từ hồ Ngàn Trươi đến kênh chính Linh Cảm. Đồng thời, nâng cấp hệ thống kênh Linh Cảm mới và các kênh mới ở Vũ Quang, Hương Sơn, Nghi Xuân.

Đặc biệt, ưu tiên số một cho việc bố trí vốn giải phóng mặt bằng.  Công trình phải đảm bảo chất lượng, gắn với quy hoạch nông thôn mới.

Thu Cúc


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng:Nghiên cứu phụ cấp cho cán bộ chống tham nhũng


Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu bổ sung chế độ phụ cấp đối với người làm việc trong các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương.

Chống tham nhũng (Ảnh minh họa)

Chống tham nhũng (Ảnh minh họa)

Về chế độ phụ cấp cho cán bộ chống tham nhũng, được biết trong năm 2010, Bộ Nội vụ cũng đã dự thảo văn bản quy định về chế độ phụ cấp và trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân trong đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Theo Bộ Nội vụ, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài. Bởi vậy, một trong các giải pháp để thực hiện tốt công cuộc chống tham nhũng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng, trong đó có việc nghiên cứu chế độ, chính sách đãi ngộ cán bộ chuyên trách chống tham nhũng.

Quốc Hà


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo đầu tư phát triển rừng núi đá tỉnh Hà Giang


Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008-2015.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong năm 2011, UBND tỉnh Hà Giang sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương đã bố trí 40 tỷ đồng, sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang giai đoạn 2008-2015.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đồng thời, căn cứ vào quy định tại Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 20/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ số vốn đã bố trí cho Dự án theo nguồn vốn và theo hạng mục đầu tư được duyệt (giai đoạn 2008-2010); dự kiến kế hoạch hàng năm (giai đoạn 2012-2015) báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ vốn cho tỉnh thực hiện dự án trên.

UBND tỉnh Hà Giang xây dựng phương án cụ thể về bổ sung hạng mục chuyển đổi chất đốt vào dự án; làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thống nhất và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Được biết, Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá được phê duyệt từ năm 2008, sau 3 năm thực hiện dự án, độ che phủ rừng của toàn vùng từ 32,9% nâng lên 37%.

Cụ thể, Dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về thực hiện các chỉ tiêu lâm sinh: Bảo vệ rừng được trên 169.000 ha, đạt 73% diện tích theo dự án, đạt gần 100% so với kế hoạch giao; khoanh nuôi phục hồi rừng được trên 71.000 ha, bằng 165% diện tích theo dự án, đạt 100% kế hoạch giao; chăm sóc rừng được gần 7.800 ha, đạt 140% diện tích theo dự án, đạt gần 90% kế hoạch giao; trồng mới được trên 8.500 ha rừng, đạt 156% diện tích theo dự án, đạt 100% kế hoạch giao.

Diện tích rừng nâng cao đảm bảo được chức năng phòng hộ đầu nguồn, hạn chế xói mòn, rửa trôi, duy trì nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Đồng thời, từng bước cải thiện môi trường sinh thái, điều kiện khí hậu, thay đổi môi trường sống có lợi cho cuộc sống con người. Tạo nên môi trường xanh tại 4 huyện vùng cao núi đá, góp phần phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu.

Dự án đã thu hút được trên 35.000 hộ tham gia vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho trên 50.000 lao động.

Đức Nam


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông


Ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí Việt Nam về cuộc gặp của Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc ngày 25-6-2011. Xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

* Phóng viên: Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, với tư cách là đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng đã gặp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Đông thời gian gần đây. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung Thông điệp của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam?

 

Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Internet

Đảo Đá Tây trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh Internet

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Thông tin về chuyến đi đã được báo chí đưa tin, còn nội dung Thông điệp tập trung vào 3 điểm chính sau:

1. Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới.

2. Bày tỏ quan ngại về những vụ việc vừa qua ở Biển Đông; đồng thời khẳng định rõ lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Việt Nam chủ trương duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông, đề nghị các bên nghiêm túc thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” DOC, giải quyết tranh chấp và các vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.

3. Nêu một số kiến nghị cụ thể về việc thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, như việc duy trì tiếp xúc cấp cao, tổ chức phiên họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc tại Hà Nội.…

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết rõ những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, về việc giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị là gì?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước đã được ghi nhận trong các Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, gần đây nhất là Tuyên bố chung tháng 10-2008 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc. Theo đó, hai bên khẳng định quan tâm gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông, “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý đã được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển của LHQ năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước”.

* Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết tiến trình đàm phán “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam – Trung Quốc”?

* Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn: Như các bạn đã biết, sau khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cuối tháng 12-2008, ta và Trung Quốc đã thỏa thuận chuyển trọng tâm đàm phán về công tác biên giới lãnh thổ sang vấn đề trên biển. Hai bên nhất trí trước khi đi vào giải quyết các vấn đề cụ thể cần đàm phán ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đó là những định hướng lớn, quan trọng mà hai bên cần tuân thủ.

Với tinh thần đó, từ đầu năm 2010 đến nay, ta và Trung Quốc đã tiến hành 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Hai bên đã trao đổi ý kiến về một số nguyên tắc cơ bản như: nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam – Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác…Dự kiến vòng đàm phán thứ 7 sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian sắp tới.

PV


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet


Chiều 27/6, tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng tiếp tục đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

 

Nguyen Tan Dung, Thu Tuong, Thuy Sy, Viet Nam, Jean Hubert Lebet

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Thụy Sỹ Jean Hubert Lebet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Thụy Sỹ đang phát triển tích cực, tạo điều kiện cho hai nước phát triển nhiều lĩnh vực.

Đánh giá cao nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam của Đại sứ Jean Hubert Lebet, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, những đóng góp của Đại sứ đã góp phần tích cực đưa quan hệ chính trị, ngoại giao, giáo dục – đào tạo Việt Nam – Thụy Sỹ ngày càng gắn bó, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Hiện, Thụy Sỹ là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam tại châu Âu.

Thủ tướng mong muốn, với những hiểu biết và tình cảm đối với đất nước và con người Việt Nam, dù ở cương vị nào, Đại sứ cũng sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh Đại sứ mới của Thụy Sỹ và khẳng định Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại sứ mới có nhiệm kỳ công tác thành công tốt đẹp.

Đại sứ Jean Hubert Lebet cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với cá nhân Đại sứ trong thời gian công tác tại Việt Nam.

Đại sứ Jean Hubert Lebet khẳng định, Thụy Sỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dự án hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và cho biết, trong năm nay, hai bên sẽ phối hợp tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Thu Cúc


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Ông Trương Tấn Sang: Phát huy tối đa nguồn lực xây dựng nông thôn mới


Phát biểu tại Tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, cần phải dồn nhiều sức, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng thành công nông thôn mới.

truong tan sang

Toàn Cảnh Cuộc Họp

Ngày 26/6 tại Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và  Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tọa đàm về xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động Liên hoan văn nghệ và thi đấu thể thao quần chúng 11 xã điểm.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới dự Tọa đàm.

Về tình hình thực hiện tiêu chí văn hóa nông thôn mới tại 11 xã  điểm, tính đến tháng 5/2011, 81/130 thôn được công nhận thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 62%. 8/11 xã được phê duyệt dự án và đang thi công xây dựng nhà văn hóa xã, 3 xã đã hoàn thành việc xây dựng nhà văn hóa.

Các đại biểu đại diện cho các xã điểm đều cùng thống nhất quan điểm, cùng với việc thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới tập trung vào 4 nội dung: nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa thôn, làng, ấp, bản văn hóa; hoàn thiện trung tâm văn hóa – thể thao xã, nhà văn hóa – khu thể thao thôn; phát triển hoạt động văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới; và nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật ở nông thôn.

Nhấn mạnh vai trò bảo tồn và phát huy văn hóa ở nông thôn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cho rằng, trong xây dựng nông thôn mới, cần đặt giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những tiêu chí ưu tiên hàng đầu.

truong tan sang

Trương Tấn Sang

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, mục đích xây dựng nông thôn mới hết sức toàn diện với nhiều nội dung, các xã thí điểm đã nỗ lực phát huy sức mạnh tổng hợp, cơ bản đạt được nhiều tiêu chí đặt ra. Đời sống văn hóa ở 11 xã điểm có sự chuyển động khá lớn so với hơn 2 năm trước khi thực hiện

Tuy nhiên, đồng chí lưu ý với các địa phương, để nhân rộng mô hình thí điểm ra toàn tỉnh và toàn quốc thì đòi hỏi phải dồn sức, phát huy tối đa tất cả các nguồn lực, cần có sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân. Bởi qui mô càng mở rộng thì các địa phương sẽ càng gặp khó khăn khi tính chất và nội dung chương trình sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Đồng chí cho biết, sau khi kết thúc thực hiện thí điểm 11 xã nông thôn mới, Trung ương sẽ rà soát lại 19 tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn với sự phát triển của đất nước và của từng địa phương.

Từ đây đến cuối năm là giai đoạn nước rút để các xã thí điểm hoàn thiện những tiêu chí đạt được và kiến nghị  những vấn đề xoay quanh Chương trình để nhân rộng trên toàn quốc, để nông thôn có một diện mạo mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo PV.


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tiếp Bộ trưởng Tài chính Lào


Những hỗ trợ quý báu của Việt Nam về hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý và đào tạo nguồn nhân lực đã giúp hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào phát triển nhanh và bền vững.

nguyen sinh hung

Phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng

Chiều 26/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước ngày càng phát triển và coi đó là tài sản vô giá để Việt Nam – Lào hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và các cấp, các ngành của Việt Nam sẽ luôn làm hết sức mình để thúc đẩy phát triển quan hệ Việt – Lào và cho rằng trong 10 năm qua, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thuế quan đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Việc ký kết Thoả thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật giai đoạn 2011-2020 đã tạo điều kiện để hợp tác giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính hai nước cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ then chốt trong việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng. Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, cần rà soát, xác định nhu cầu nhân lực của xã hội để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo.

Bộ trưởng Tài chính Lào Somdy Douangdy cảm ơn sự giúp đỡ chân tình và quý báu của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý. Thời gian qua, nhiều quy định đã thực sự phát huy tác dụng, tạo cơ chế để hệ thống tài chính, ngân hàng của Lào phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Tài Chính Lào cũng cho biết, Lào luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hợp tác.

Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng Tài chính Lào khẳng định, với sự hợp tác và giúp đỡ của Việt Nam trong việc xây dựng Học viện Kinh tế – Tài chính Duong Kham Xang, nguồn nhân lực của Lào sẽ dần ổn định và có chất lượng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Bộ trưởng Somdy Douangdy cũng cho biết, cuối tháng 6 này, cán bộ, công chức Bộ Tài chính hai nước sẽ có cuộc giao lưu hữu nghị. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa để trao đổi kinh nghiệm và tạo mối gắn kết giữa hai Bộ.

Theo PV


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Hoa Kỳ muốn giúp giải tỏa căng thẳng ở Biển Đông


Washington khẳng định muốn giúp tháo gỡ căng thẳng trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông khi tham gia cuộc hội đàm với Bắc Kinh tại Hawaii hôm nay.

“Mỹ không có ý định đổ thêm dầu vào lửa” ở Biển Đông và “chúng tôi rất quan tâm tới việc duy trì hòa bình và ổn định tại đây”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell phát biểu hôm qua, trước vòng thứ nhất của cuộc tham vấn châu Á – Thái Bình Dương với Trung Quốc hôm nay.

nguyen sinh hung
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (phải) cùng tàu hộ tống thăm cảng Manila, Philippines tháng trước

“Chúng tôi đã thể hiện rất rõ ràng rằng Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền”, AFP dẫn lời Campbell cho hay. “Tuy nhiên, chúng tôi có những nguyên tắc về tự do hải hành, giao thương cũng như duy trì hòa bình và ổn định. Những nguyên tắc đó đã có từ lâu và chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh chúng trong tất cả hoạt động tham gia ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Ông Campbell khẳng định Mỹ không muốn “lửa bùng lên” tại khu vực này. “Chúng tôi muốn căng thẳng giảm dịu đi và các bên bình tĩnh”, Campbell nhấn mạnh.

Phát ngôn này được đưa ra sau khi phía Trung Quốc lại lên tiếng yêu cầu Mỹ tránh xa Biển Đông. “Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền” ở Biển Đông vì thế “tốt nhất là Mỹ để các bên tự giải quyết với nhau”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải phát biểu. Ông cũng nói rằng một số quốc gia “đang đùa với lửa”và hy vọng “Mỹ sẽ không bị bỏng vì ngọn lửa này”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua khẳng định Mỹ sẵn sàng cung cấp khí tài để hiện đại hóa quân đội, ủng hộ Philippines “đối phó với hành động gây hấn” trong bối cảnh tranh chấp đang ngày càng căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951. Ngoại trưởng Philippines cho rằng văn bản đó – có quy định việc phòng thủ chung trong trường hợp có sự tấn công ở khu vực Thái Bình dương – bao gồm cả Biển Đông.

Tuần trước, Thượng nghị sĩ Mỹ kỳ cựu John McCain cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cần tăng cường giúp đỡ ASEAN về chính trị và quân sự để đối phó với những tuyên bố chủ quyền “không cơ sở” của Trung Quốc.

Căng thẳng ở Biển Đông lên cao trong những tuần gần đây với việc Philippines và Việt Nam tố cáo Trung Quốc có hành động ngày càng quyết liệt ở Biển Đông.

Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đã công bố yêu sách 9 đoạn (thường gọi là đường lưỡi bò hoặc đường chữ U), ôm trọn Biển Đông và các đảo/quần đảo trong khu vực. Yêu sách này bị các nước khác bác bỏ bởi không có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử.

Mai Trang


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

Đồng chí Đinh Thế Huynh dự Hội nghị HĐKH các cơ quan Đảng Trung ương


Ngày 24/6, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2007-2011 và kỷ niệm 15 năm thành lập (1996-2011).

Dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Thế Huynh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Ngọc Hoàng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Trung – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cùng đại diện các cơ quan Đảng, các Bộ, ngành liên quan…

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ mới, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Hoàng Chí Bảo nêu rõ: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đồng đã có những kết quả nổi bật đó là đổi mới, nâng cao chất lượng định hướng, thẩm định các thuyết minh đề tài, đề án; đổi mới công tác tổ chức lực lượng tham gia các công trình nghiên cứu khoa học; đổi mới trong việc đánh giá, phát huy ứng dụng kết quả nghiên cứu.

nguyen sinh hung
Toàn cảnh Hội nghị

Các đề tài, đề án đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, thiết thực phục vụ cho công tác tham mưu chiến lược của các Ban, các cơ quan Đảng Trung ương đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần hình thành nhiều chỉ thị, nghị quyết trên nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, tư tưởng, đối ngoại, xây dựng Đảng, dân vận, an ninh quốc gia, kinh tế, chính trị, tuyên giáo… Đồng thời, đóng góp cho quá trình nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành tại từng ban, cơ quan Đảng Trung ương. Thông qua quá trình tham gia nghiên cứu, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên viên thuộc các ban, các cơ quan Đảng Trung ương đã được nâng cao rõ rệt. Đó là một trong những hình thức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, chính trị cho cán bộ một cách có hiệu quả, tạo điều kiện cho cán bộ vừa học vừa làm, gắn với thực tiễn nghiên cứu khoa học ở từng công trình, chuyên đề cụ thể.

Nhìn chung, trong nhiệm kỳ 2007 – 2011, hoạt động của Hội đồng được đổi mới đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khâu liên quan, như: định hướng, thẩm định, đánh giá sản phẩm nghiệm thu, tổ chức lực lượng tham gia nghiên cứu.

Phương hướng và nhiệm vụ chủ yếu của Hội đồng trong nhiệm kỳ tới là tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy, tích cực đổi mới phương thức hoạt động theo hướng: nghiên cứu khoa học phải bám sát, phục vụ thiết thực yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu của cơ quan Đảng Trung ương, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học tại các ban, các cơ quan Đảng Trung ương thể hiện trên tất cả các mặt: định hướng, quản lý, tổ chức triển khai đối với các đề tài, đề án đã được Hội đồng phê duyệt hàng năm. Nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện quy trình thẩm định các thuyết minh đăng ký, đánh giá sản phẩm nghiên cứu, nghiệm thu công trình để đảm bảo ngày càng chặt chẽ, khách quan, khoa học, đạt hiệu quả cao theo hướng phục vụ thiết thực công tác quản lý, hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở từng ban, cơ quan Đảng Trung ương. Đẩy mạnh công tác thông tin khoa học gắn với yêu cầu xã hội hoá hoạt động nghiên cứu thông qua những phương thức khác nhau để đảm bảo không ngừng nâng cao vị thế của Hội đồng trong giai đoạn phát triển mới. Kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ các cơ quan Đảng Trung ương. Trong đó, chú trọng ưu tiên các nhà khoa học, các cán bộ, chuyên viên trẻ đang công tác tại các ban, cơ quan Đảng Trung ương.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương những đóng góp của Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương qua 15 năm trưởng thành và phát triển. Hội đồng đã triển khai được hơn 400 công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, trong đó nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng cao được áp dụng trong công tác nghiên cứu lý luận, công tác tham mưu và chỉ đạo thực tiễn của các cơ quan Đảng Trung ương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, số lượng các công trình có xu hướng tăng lên, chất lượng các công trình ngày càng có chất lượng cao hơn, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tích đạt được, Hội đồng cũng cần lưu ý khắc phục sớm một số hạn chế như số lượng các công trình nghiên cứu tuy nhiều nhưng chất lượng chưa thực sự tương xứng, chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu nhiệm vụ, nhất là yêu cầu nâng cao năng lực và chất lượng tham mưu, chỉ đạo của các Ban, các cơ quan Đảng. Việc ứng dụng của các đề tài, đề án vào công tác tham mưu cho các cơ quan Đảng ở Trung ương còn hạn chế. Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện và đánh giá chất lượng các đề tài có nơi, có chỗ còn lỏng lẻo hoặc chưa đủ sâu sát, kịp thời…

Nhất trí cao với phương hướng và nhiệm vụ của Hội đồng trong nhiệm kỳ 2011-2015, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Hội đồng cần triển khai thực hiện Kết luận số 28-TB/TW của Ban Bí thư về việc “Kiện toàn tổ chức, bộ máy và đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng ở Trung ương”. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội đồng để nâng cao hơn nữa chất lượng các đề tài, đề án, đáp ứng những đòi hỏi thiết thực cho công tác tham mưu của các ban đảng và các cơ quan Đảng Trung ương, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới. Mọi hoạt động của Hội đồng cần bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; định hướng nội dung và triển khai thực hiện các đề tài, đề án phục vụ trực tiếp, thiết thực, hiệu quả yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng….

Cũng tại hội nghị, Hội đồng đã tặng quà lưu niệm cho các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Hội đồng qua các nhiệm kỳ. Ban Tuyên giáo Trung ương đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức công tác nghiên cứu khoa học; các cá nhân và 1 tập thể có đóng góp xuất sắc trong công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, nhiệm kỳ 2007-2011./.


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)