Hà Nội cần đi đầu về nâng cao hiệu quả của HĐND

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Hà Nội cần đi đầu trong cả nước về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của HĐND. Sáng 10/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dự phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là phiên họp giữa năm, với nhiều nội dung quan trọng nhằm thống nhất những giải pháp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, đồng thời kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố, những tháng đầu năm 2012, trong điều kiện kinh tế trong nước tiếp tục có những khó khăn, thách thức lớn, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng nhưng thấp hơn dự báo và mức tăng của các năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng ước tăng 7,6%, cao hơn mức tăng dự kiến của cả nước nhưng thấp hơn kế hoạch cả năm và mức tăng cùng kỳ của các năm trước. Tuy vậy, tình hình kinh tế có dấu hiệu khả quan hơn: tổng sản phẩm quý 2 ước tăng 7,9%, cao hơn mức tăng của quý 1 (7,3%); thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 69.062 tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán Hội đồng Nhân dân thành phố giao; CPI tháng 6 chỉ tăng 2,57% so với tháng 12/2011.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội của Thủ đô còn những tồn tại hạn chế như sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; sản xuất nông nghiệp giảm so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với dự báo, nhiều sản phẩm công nghiệp giảm mạnh, số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng; thị trường bất động sản đóng băng; công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với những năm trước. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép và lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp vẫn xảy ra. Lắng nghe tình hình phát triển chung của thành phố, phát biểu tại buổi họp, đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của thành phố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những kết quả này sẽ là tiền đề góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các nghị quyết của Trung ương và của thành phố trong năm 2012. Nhấn mạnh đến những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, tác động không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong nước, cũng như đối với thủ đô Hà Nội, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2012 và những năm tiếp theo của thành phố, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo thành phố và nhân dân Thủ đô tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời giữ cho được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hà Nội cần tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và triển khai tốt Nghị quyết về một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua tại kỳ họp thứ 3 vừa qua. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn cùng với việc cải tiến đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thành phố Hà Nội cần đi đầu trong cả nước về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân, nhất là các kỳ họp Hội đồng Nhân dân. Hội đồng Nhân dân thành phố cần chuẩn bị thật tốt chương trình, nội dung kỳ họp, nâng cao chất lượng các đề án, báo cáo; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể trong quá trình thảo luận và ra nghị quyết, quyết định. Nội dung, phương thức giám sát và tiếp xúc cử tri cần tiếp tục đổi mới, khắc phục tình trạng hình thức. Hội đồng Nhân dân thành phố tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát tại kỳ họp và trong thời gian giữa hai kỳ họp; đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đưa hoạt động chất vấn thành một trong những hoạt động thường xuyên, một hình thức giám sát trực tiếp và hiệu quả đối với bộ máy nhà nước; cần lựa chọn vấn đề, ban hành nghị quyết về chất vấn và tăng cường giám sát của hội đồng, của các đại biểu và nhân dân trong tổ chức thực hiện, công khai minh bạch trước cử tri. Chủ tịch Quốc hội mong muốn tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp quyết liệt, thận trọng nhưng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với tình hình thực tế của Thủ đô, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2012; tạo cho được chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô. Để kỳ họp đạt kết quả tốt, mỗi đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, làm rõ hơn, sâu sắc hơn những kết quả đạt được, phân tích những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân để có hướng đi, giải pháp đúng. Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, tại kỳ họp này, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng như đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm của thành phố, từ đó xem xét, quyết định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 của thành phố. Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ xem xét, quyết định 6 quy hoạch ngành, lĩnh vực gồm: Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch giao thông vận tải; Quy hoạch thoát nước đô thị; Quy hoạch thủy lợi; Quy hoạch văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Kỳ họp cũng sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về hai Chương trình mục tiêu của thành phố là giảm thiểu ùn tắc giao thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước giai đoạn 2012-2015. Kỳ họp cũng xem xét các báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố, Tòa án Nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố; thông báo của Thường trực Mặt trận Tổ quốc thành phố về công tác tham gia xây dựng chính quyền; đồng thời tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn./. Quang Vũ (TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp xúc cử tri huyện Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh

Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIII, ngày 25/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri huyện Vũ Quang – một huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội.


Được thành lập từ 12 xã khó khăn nhất của 3 huyện Hương Khê, Đức Thọ và Hương Sơn tách ra, Vũ Quang có kết cấu hạ tầng còn ở mức thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Nền kinh tế huyện còn nhỏ bé, sản xuất hàng hóa phát triển chậm, nền kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp.

Tính đến đầu năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện vẫn còn chiếm 45,85%, cách xa so với mặt bằng chung của cả nước.

Góp ý với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cử tri huyện Vũ Quang kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng cơ chế chính sách đặc thù đối với huyện nghèo; hỗ trợ Vũ Quang đẩy nhanh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy tiến độ công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân trong huyện.

Cử tri trong huyện kiến nghị các cơ quan Trung ương quan tâm, đầu tư hỗ trợ một số công trình thiết yếu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như kè chống sạt lở bờ sông; nhà vượt lũ, trạm y tế vượt lũ, đường cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ…

Lắng nghe ý kiến của cử tri trong huyện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội đang nỗ lực đổi mới trong từng hoạt động tiếp xúc cử tri; giám sát tối cao; hoạt động chất vấn; công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội cần tự đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp với cử tri; gắn với đời sống, sinh hoạt, công việc của người dân theo mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Hội đồng nhân dân các cấp cũng cần tự đổi mới hoạt động của mình theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn; gắn với các buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của chính quyền, nhân dân huyện Vũ Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh để đạt kết quả tốt hơn trong công tác xóa đói, giảm nghèo, huyện cần tập trung nâng cao năng suất, thâm canh thêm giống, cây trồng, trồng rừng và chăn nuôi.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền huyện cần có biện pháp căn cơ, lâu dài đó là ưu tiên đào tạo, nhất là đào tạo nghề.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; đồng thời tiếp thu những kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh nhằm duy trì, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

Đại diện các cử tri Hà Tĩnh hoan nghênh tinh thần làm việc trách nhiệm, tích cực của các đại biểu Quốc hội đối với công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và đặc biệt là những đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, vị trí cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, kéo gần hơn khoảng cách giữa Quốc hội với cử tri.

Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ băn khoăn về những sai phạm của một số tập đoàn kinh tế lớn; tình trạng người nước ngoài thu mua nông sản, dược liệu quý hiếm tại một số địa phương trong nước; thực trạng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa hiệu quả…

Đóng góp ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng mức đầu tư cho chương trình xây dựng nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tiếp tục nghiên cứu giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; có chính sách ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho công nhân, người lao động; tăng cường công tác quản lý cán bộ; ngăn ngừa lãng phí, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp thu và giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ Đảng, Nhà nước chủ trương tăng gấp đôi đầu tư so với 5 năm trước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng đường xá, viễn thông, internet; hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu; cải tiến công nghệ nông nghiệp; hỗ trợ thị trường cho bà con.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên xây dựng, phát triển nông thôn là quá trình lâu dài, phải làm trong nhiều năm thậm chí hàng chục năm và làm liên tục để không ngừng đưa nông thôn ngày một phát triển; kéo giảm khoảng cách giàu nghèo.

Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành giám sát đối với hoạt động đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo cho việc đầu tư đúng đối tượng, được triển khai hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang rất khó khăn, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, nhất là giải pháp về thuế, cơ cấu nợ ngân hàng; hỗ trợ về hạ tầng.

Về vấn đề đất đai, Chủ tịch Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, Quốc hội đã yêu cầu đến năm 2013 phải cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Quốc hội cũng đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ khẩn trương trình dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, giải quyết cho được những vướng mắc về cơ chế, chính sách, để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước coi đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt và đã ban hành nhiều chính sách chỉ đạo công tác này.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn cử tri tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ, tham gia cùng Đảng, Nhà nước đưa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Theo TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Liên hoan Dân ca Ví, Dặm xứ Nghệ năm 2012

Tối 23.6, tại Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Dặm xứ Nghệ năm 2012 với chủ đề Dâng Người câu hát dân ca.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tới dự.


Với chủ đề ca ngợi tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống và quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Liên hoan Dân ca Ví, Dặm xứ Nghệ năm 2012 tập trung chủ yếu hai thể hát chính là: Ví và Dặm. Liên hoan nhằm tạo điều kiện cho các câu lạc bộ giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; đưa phong trào hoạt động của các Câu lạc bộ dân ca phát triển rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân; hướng tới lập Hồ sơ khoa học đề nghị đưa dân ca Ví, Dặm xứ Nghệ vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trình UNESCO công nhận dân ca Ví, Dặm là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Theo Ban Tổ chức Liên hoan, thời lượng chương trình tham gia của các Câu lạc bộ Dân ca được quy định khoảng 70% là các làn điệu dân ca Ví, Dặm gốc và 30% các làn điệu dân ca Ví, Dặm cải biên. Các tiết mục hát dân ca khuyến khích các làn điệu cổ, các làn điệu cải biên có tính phổ biến; tái tạo các trò diễn xướng dân gian dân ca Ví, Dặm. Cùng với đó là các hình thức thể hiện: hát đơn, hát đôi, hoạt ca, hoạt cảnh; trang phục, đạo cụ phải gắn với nội dung, tính chất của làn điệu, phù hợp với môi trường và không gian diễn xướng.

Tham dự Liên hoan năm nay, từ ngày 23 đến 25.6, có 20 câu lạc bộ của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trước đó, từ ngày 24.5 – 6.6, Liên hoan Dân ca Ví, Dặm xứ Nghệ năm 2012 đã diễn ở các cụm với sự tham gia của trên 500 diễn viên với đủ các lứa tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi và lớn tuổi nhất là 91 tuổi.

Theo DBND

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Chủ tịch Thượng viện Myanmar

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Đoàn đại biểu Thượng viện Myanmar do Ngài Khin Aung Myint, Chủ tịch Thượng viện (đồng thời là Chủ tịch Quốc hội) dẫn đầu, đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Sáng 22/6, lễ đón chính thức Chủ tịch Thượng viện Myanmar và Đoàn đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.


Tại buổi hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước nói chung và quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Myanmar nói riêng.

Bày tỏ vui mừng mối quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Myanmar đang tiếp tục phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả, đem lại lợi ích cho mỗi bên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Myanmar đạt được nhằm ổn định chính trị-xã hội, phát triển kinh tế, khẳng định vai trò của Myanmar tại khu vực và trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong khi thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế và khu vực, Việt Nam luôn coi trọng duy trì, củng cố và phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Myanmar.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội; hợp tác đa phương và hoạt động lập pháp của hai nước.

Đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, Chủ tịch Thượng viện Myanmar Khin Aung Myint cho rằng những thành quả này đã nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nhận định Việt Nam và Myanmar có nhiều điểm chung, Chủ tịch Thượng viện Myanmar bày tỏ vui mừng vì hai nước đã phối hợp thành công trên nhiều lĩnh vực; lãnh đạo Cấp cao của hai nước luôn có quan hệ hữu nghị và gần gũi, tin cậy lẫn nhau.

Tán thành những đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước, hai Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Myanmar mong muốn Quốc hội hai bên hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong quan hệ đối ngoại.

Trong không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã thông báo vắn tắt về tình hình chính trị, phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước; trao đổi ý kiến về quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Lãnh đạo Quốc hội hai nước nhấn mạnh rằng, Việt Nam và Myanmar cần cường hơn nữa tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; sớm xúc tiến thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội hai nước; tiếp tục hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, nghị viện đa phương, qua đó nâng cao sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở vững chắc cho việc mở rộng và phát triển quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác.

Tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể chào mừng Chủ tịch Thượng viện Khin Aung Myint và Đoàn đại biểu Thượng viện Myanmar./.

Theo VNP

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Lễ trao giải báo chí Quốc gia lần thứ VI

Tối 21-6, tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, Thủ đô Hà Nội diễn ra Lễ trao giải báo chí Quốc gia lần thứ VI năm 2011.

Chủ tịch Quốc hội trao giải A cho nhóm tác giả Đài Tiếng nói Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội trao giải A cho nhóm tác giả Đài Tiếng nói Việt Nam
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Thanh Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hồ Chí Minh; Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thuận Hữu, Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Đảng và Nhà nước gửi tới đội ngũ làm báo nước nhà lời chúc tốt đẹp nhất.  Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Chúng ta tự hào về đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều cống hiến to lớn vào sự phát triển của đất nước. Những tác phẩm báo chí được trao giải là những công trình thể hiện tấm lòng, bản lĩnh của các nhà báo chân chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đội ngũ phóng viên nước nhà cần tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, bằng tấm lòng và trí tuệ Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, báo chí phải trở thành lực lượng chuyên nghiệp.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh, giải báo chí Quốc gia là một trong những hoạt động quy mô toàn quốc nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc nhất của năm. Đây là sự kiện báo chí lớn, luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới.

Tiếp theo thành công của những mùa giải lần trước, giải báo chí Quốc gia lần thứ VI đã thành công tốt đẹp, với số lượng tác phẩm, tác giả và đơn vị báo chí tham dự lớn nhất từ trước tới nay. Năm nay, các tác phẩm dự thi đã phản ánh sinh động những vấn đề thời đại, có tầm ảnh hưởng rộng, nhiều tác phẩm có tính phát hiện cao, thể hiện một cách chuyên nghiệp và hấp dẫn đối với công chúng.

Các tác phẩm dự Giải là bức tranh phản chiếu đầy đủ, khách quan tình hình đất nước năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức ở trong nước cũng như trên thế giới; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó là sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự lao động sáng tạo, nỗ lực của toàn dân, đưa đất nước vượt qua khó khăn để tiếp tục tiến lên.

Giải báo chí quốc gia là một sự kiện báo chí lớn, luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của báo giới. Tiếp theo thành công của những mùa giải trước, Giải báo chí quốc gia lần thứ 6 năm nay đã thành công tốt đẹp, với số lượng tác phẩm - tác giả và số đơn vị báo chí tham dự cao so với nhiều năm.

Có 1.268 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả, được tuyển chọn từ 55 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 62 Liên chi hội, Chi hội trực thuộc và cơ quan báo chí Trung ương. Đây là năm có số Hội địa phương trong cả nước tham gia nhiều nhất từ trước đến nay. Vừa qua, từ 153 tác phẩm báo chí được lựa chọn vào chung khảo, Hội đồng chung khảo đã tuyển chọn được 95 tác phẩm xuất sắc thuộc 8 thể loại để trao giải, gồm: 2 giải A, 23 giải B, 39 giải C và 31 giải Khuyến khích.  

 Trong số hai giải A, một giải thuộc nhóm tác giả: Trần Cẩm, Duy Nghĩa, Lô Thắng, Việt Anh, Nguyễn Thị Thu Hà (Trung tâm phim tài liệu và phóng sự - LCH Đài THVN) với tác phẩm “Tượng đài Bác Hồ giữa thủ đô nước Nga”. Giải A còn lại của nhóm tác giả: Thùy Vân, Thu Lan, Lê Phúc, Lê Bình  (Liên chi hội Đài TNVN) với tác phẩm: “Chủ quyền Hoàng Sa,Trường Sa, nhìn từ công pháp quốc tế”  .

Các đơn vị, tòa soạn báo thuộc Liên chi hội Thông tấn xã Việt Nam đã đoạt 3 giải C, 2 giải Khuyến khích ở các thể loại tin, bài, phỏng vấn và ảnh.

Theo (QNP)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Lễ công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới

Tối 16.6, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tới dự lễ đón Bằng công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới tại Khu di sản Thành nhà Hồ, Thanh Hóa.

Tại buổi lễ, đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã trân trọng trao Bằng công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới tặng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và phát biểu tại lễ đón nhận
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự và phát biểu tại lễ đón nhận
Phát biểu tại lễ đón nhận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Thành nhà Hồ- một công trình quân sự, kiến trúc độc đáo được nhân dân gìn giữ, bảo tồn hơn 600 năm qua, được đánh giá mang giá trị nổi bật toàn cầu, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới là niềm vui, niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân vả nước. Thành nhà Hồ cùng với các di sản khác được thế giới công nhận đã tô đậm thêm nền văn hóa ngàn năm hết sức phong phú của dân tộc Việt Nam, góp phần để bạn bè thế giới hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, mở ra triển vọng, cơ hội phát triển du lịch, nghiên cứu văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng các cơ quan hữu quan bảo tồn, phát huy giá trị di sản theo Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam, Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa- Thiên nhiên thế giới; đồng thời nghiên cứu làm rõ thêm giá trị của các công trình, hiện vật còn nằm trong lòng đất.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa cùng các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học đã có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn, bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; cám ơn sự quan tâm, ủng hộ của UNESCO trong việc công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới. Với việc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành nhà Hồ trở thành tài sản chung của nhân loại. Đây là niềm tự hào, vinh dự và là cơ hội để tiếp tục gìn giữ, phát huy tốt hơn những giá trị của di sản; đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm túc trong việc bảo tồn, phát huy di sản theo Luật Di sản của Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới; nghiên cứu, làm rõ thêm các giá trị của công trình, hiện vật còn nằm trong lòng đất của di sản; thực hiện tốt những cam kết với UNESCO về các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Thành nhà Hồ.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, những giá trị to lớn của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ cùng với các di sản văn hóa Việt Nam sẽ không ngừng được phát huy, bảo vệ trường tồn để truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Thành nhà Hồ, (hay còn gọi là Thành Tây Đô, Thành An Tôn, Thành Tây Kinh hay Thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, khoảng ba tháng (từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 1397). Đến nay, dù đã tồn tại hơn sáu thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này vẫn còn tương đối nguyên vẹn.

Theo (ĐBND)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Đối thoại thẳng thắn trên tinh thần xây dựng cao

Qua 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành xong chất vấn trực tiếp tại hội trường với các Bộ trưởng, trưởng ngành, đại diện của Chính phủ - đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Các phiên chất vấn được đánh giá hiệu quả, thẳng thắn, đúng hướng và đưa ra nhiều giải pháp tích cực…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại kỳ họp lần này, cùng với 1.204 ý kiến kiến nghị của tri cả nước gửi đến Quốc hội, đã có hơn 160 câu hỏi chất vấn cho 19 Bộ trưởng, trưởng ngành và các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, tại hội trường đã có hàng trăm câu hỏi của các đại biểu Quốc hội trực tiếp chất vấn, tham gia thảo luận, trao đổi với các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng.

Những vấn đề được các đại biểu chất vấn có nhiều nội dung mới đặt ra, cần phải làm rõ trách nhiệm, giải pháp để tổ chức thực hiện.

Không khí chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, là thẳng thắn, có trách nhiệm và có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao. Các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi gọn, rõ, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ trả lời nhiều vấn đề quan trọng mà cử tri cả nước quan tâm, nhận rõ trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những vấn đề đặt ra, các nhóm tổng quát để thực hiện chất vấn đã lựa chọn trúng vấn đề-những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Những vấn đề này tuy rằng không mới nhưng có nhiều nội dung mới đặt ra, cần phải chất vấn, làm rõ trách nhiệm, giải pháp để tổ chức thực hiện. Không khí chất vấn, trả lời chất vấn tại Hội trường thẳng thắn, có trách nhiệm và có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao. Các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi gọn, rõ, đi thẳng vào vấn đề, các thành viên Chính phủ trả lời nhiều vấn đề quan trọng mà cử tri cả nước quan tâm, nghiêm túc kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao, cũng đã nhận rõ trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của mình.

Sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động chất vấn, thực hiện việc truyền hình trực tuyến hoặc có thể truyền hình trực tiếp để các vị đại biểu Quốc hội có điều kiện tham dự, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động về nghe báo cáo, giải trình của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành về những vấn đề nổi lên cử tri quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Chính phủ đã trả lời tại kỳ họp này khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung Quốc hội đã kết luận trên tinh thần lời hứa của mình và báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Theo VGP