Điều trần – một hoạt động của cơ quan dân cử cần được nhân rộng


Điều trần là hình thức hoạt động khá phổ biến của cơ quan dân cử các nước để làm sáng tỏ những vấn đề mà cơ quan hành pháp, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm. Ở nước ta, hình thức này tuy còn mới mẻ nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, cần được nhân rộng thời gian tới.

Hoạt động điều trần cũng là cách thức mà cơ quan dân cử và đại biểu dân cử liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe ý kiến cử tri ở những vấn đề gay cấn để có giải pháp, hoặc những quyết định sáng suốt nhất trong việc thực thi quyền đại diện của mình. Song thật đáng tiếc, trong những năm qua các hoạt động này chỉ mới dừng lại ở cấp độ “làm thử”, thí điểm ở một số đơn vị. Riêng ở Hà Tĩnh hoạt động điều trần được thực hiện lần đầu vào năm 2009. Với mục đích thu thập, kiểm chứng thông tin để làm rõ những vấn đề quan trọng nhưng có nhiều ý kiến trái ngược giữa các nhóm đối tượng khác nhau khi ban hành chính sách mới, hoặc xem xét kết quả thực hiện các chính sách đã ban hành. Trong đó, cử tri là người chịu tác động trực tiếp của chính sách, dưới cả 2 góc độ là chính sách đã được thực thi và chính sách sắp được ban hành; cơ quan dân cử vừa là cơ quan ban hành chính sách, vừa là cơ quan giám sát việc thực thi các chính sách. Qua đó để làm rõ nguyên nhân, người chịu trách nhiệm và hướng giải quyết cho từng nội dung cụ thể. Trong 2 năm qua, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều phiên điều trần với các nội dung khác nhau và đã đạt được kết quả trên nhiều mặt.

HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVI

HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVI

Điều trần để phục vụ ban hành chính sách mới

Để chuẩn bị ban hành chính sách mới, việc tham vấn ý kiến các đối tượng, nhất là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các chính sách là khâu không thể thiếu, được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định. Thực hiện tốt khâu tham vấn thì chính sách mới sẽ có tính khoa học và thực tiễn cao, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Khi tham vấn ý kiến của đối tượng chịu sự tác động điều chỉnh, có những dự thảo chính sách thu được sự đồng thuận cao, song cũng không ít chính sách, trong đó những nhóm lợi ích khác nhau còn có ý kiến trái ngược về một phần hoặc toàn bộ chính sách sắp ban hành, điều này cũng sẽ tạo ra các luồng ý kiến khác nhau trong các đại biểu dân cử. Để mang lại sự thống nhất trong các đại biểu dân cử khi thảo luận và quyết định ban hành chính sách, đồng thời tạo sự đồng thuận trong xã hội khi chính sách được ban hành thì tổ chức các phiên điều trần là hình thức mang lại hiệu quả nhất. Thông qua điều trần, các nội dung được làm sáng tỏ sẽ quyết định việc ban hành chính sách hoặc dừng lại, hay điều chỉnh các nội dung cho phù hợp.

Ví dụ như việc thành lập thêm trường PTTH Cù Huy Cận tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Trước đó, vào năm 2008 UBND huyện Vũ Quang có tờ trình xin thành lập thêm trường PTTH mang tên Cù Huy Cận, gửi UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương, cho chuẩn bị đề án trình HĐND tỉnh vào thời gian thích hợp. Đến Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Khóa XV (cuối năm 2008), UBND tỉnh có tờ trình gửi HĐND tỉnh, trong quá trình thẩm tra đề án và tờ trình của UBND tỉnh, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh nhận thấy còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các ngành, địa phương, các trường PTTH trong khu vực nên đã đề nghị HĐND tỉnh dừng lại chưa ban hành nghị quyết. Trước Kỳ họp thứ 16, Thường trực HĐND tỉnh quyết định tổ chức điều trần để làm rõ vấn đề, thu thập thêm thông tin, làm cơ sở cho HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Tại phiên điều trần, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: căn cứ pháp lý khi thành lập thêm trường; quy hoạch mạng lưới trường lớp trong toàn tỉnh cũng như trong khu vực; số lượng học sinh THCS phục vụ tuyển sinh vào THPT cho các năm tới; quyền lợi của học sinh và phụ huynh khi thành lập trường mới; những tác động của trường mới thành lập tới điều kiện KT – XH các xã trong vùng của 2 huyện… đã được làm sáng tỏ. Biên bản cuộc điều trần được gửi tới các cơ quan chức năng, đại biểu HĐND tỉnh và nhận được sự đồng tình cao nên đến Kỳ họp thứ 16, 100% đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết thành lập trường PTTH Cù Huy Cận.

Và để làm rõ những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện các chính sách

Đối với những chính sách đã được ban hành và đi vào cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể làm cho chính sách chậm hoặc không được thực thi nghiêm túc, thậm chí có khi thực hiện chính sách này lại làm cho các chính sách khác bị sai lệch. Việc tổ chức giám sát nhằm phát hiện tồn tại, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đưa ra những kiến nghị để kịp thời khắc phục, bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm chính sách được thực thi nghiêm túc, phát huy hiệu quả là hình thức được áp dụng phổ biến, là một trong những hoạt động chủ yếu của các cơ quan dân cử, được Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định cụ thể.

Tuy vậy qua thực tiễn cho thấy, bên cạnh hoạt động giám sát, nhiều tồn tại, những vướng mắc của các chính sách sẽ được làm sáng tỏ nhanh chóng thông qua một phiên điều trần. Sau khi tổ chức điều trần sẽ thu thập đầy đủ thông tin của các bên, tìm ra những nguyên nhân của các vướng mắc, tồn tại, từ đó sẽ áp dụng những hình thức khác để quy trách nhiệm hoặc điều chỉnh nội dung của chính sách. (Điều trần chỉ để thu thập thông tin, không tiến hành kết luận và quy trách nhiệm tại phiên điều trần, đây cũng là một nội dung cần bàn thêm). Đây cũng là cách ngắn nhất để giải quyết những tồn tại mà nhiều khi những hình thức khác sẽ chậm và ít hiệu quả hơn.

Ví dụ, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức phiên điều trần về việc tiết giảm và cung ứng điện. Do thiếu điện trầm trọng trong mùa hè năm 2010, Điện lực Hà Tĩnh đã thực hiện chủ trương tiết giảm trong cung ứng điện. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng để vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm an toàn trong vận hành lưới điện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương này, Điện lực Hà Tĩnh đã tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu công bằng, không minh bạch, ảnh hưởng tới việc sản xuất của các doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân, gây ra nhiều bất bình trong cán bộ, nhân dân và các đơn vị kinh doanh. Để làm rõ những phản ánh của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh quyết định tổ chức phiên điều trần, mời lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Công thương, Điện lực Hà Tĩnh, đại diện các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và một số hộ dân. Qua phiên điều trần tuy không kết luận, chưa quy trách nhiệm, nhưng các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan Điện lực đã thấy rõ trách nhiệm, yếu kém của mình trong việc tổ chức thực hiện chủ trương tiết kiệm điện và đã có các giải pháp khắc phục hiệu quả, được nhân dân và doanh nghiệp đồng tình.

Một số vấn đề cần quan tâm để điều trần đạt kết quả cao nhất

Trong quá trình hoạt động, 2 năm qua Thường trực và các ban HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng hình thức điều trần vào nhiều nội dung của việc chuẩn bị ban hành chính sách cũng như giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách đã ban hành. Qua thực hiện chúng tôi rút ra, điều trần là hình thức hoạt động tuy mới kể cả tên gọi và cách thức tổ chức nhưng rất hiệu quả. Để các phiên điều trần đạt kết quả cao nhất, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Trước hết, lựa chọn và xác định nội dung cần điều trần. Đó phải là những nội dung có ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều người, hoặc nhóm khác nhau, kể cả nội dung đã ban hành hoặc chưa ban hành. Điều này được rút ra qua việc tổ chức các hoạt động tham vấn, giám sát, tiếp xúc cử tri, qua đơn thư phản ánh của nhân dân, những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm…

Thứ hai, chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản phiên điều trần, bao gồm: kế hoạch chi tiết; nội dung bộ câu hỏi chính và dự kiến các tình huống để chuẩn bị những câu hỏi phụ đối với các đối tượng tham gia điều trần; phân công nhiệm vụ cụ thể cho chủ tọa, thư ký, và bộ phận phục vụ.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau phiên điều trần, tạo áp lực từ dư luận xã hội để tăng hiệu quả điều trần, mặt khác còn có tác dụng tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luật đến với người dân.

Thứ tư, phải hết sức chú ý khâu gửi giấy mời và đón tiếp khách mời, nhất là các đối tượng phải giải trình, các nhân chứng hoặc đại diện cử tri, các nhóm lợi ích…Nếu chuẩn bị khâu này không tốt thì lượng thông tin thu được rất ít, hoặc không làm rõ được nội dung, hiệu quả phiên điều trần sẽ không cao.

Thứ năm, chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, bố trí chỗ ngồi hợp lý và các điều kiện phục vụ, kể cả phương tiện ghi âm, ghi hình để phục vụ cho các bước tiếp theo sau điều trần.

Thứ sáu là xử lý những thông tin thu được sau điều trần. Căn cứ vào mục đích và thông tin thu được từ phiên điều trần để quyết định các hình thức tiếp theo: Nếu điều trần để phục vụ chính sách mới thì xem xét để quyết định ban hành hay chưa ban hành, hoặc điều chỉnh bổ sung dự thảo chính sách trước khi đưa ra thảo luận và quyết định. Nếu điều trần để làm rõ những tồn tại, vướng mắc trong thực thi chính sách thì có thể xem xét đưa ra chất vấn tại kỳ họp để quy trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, cũng có thể đưa vào chương trình điều chỉnh chính sách, hay kiến nghị với các cấp, các ngành để khắc phục những tồn tại, thiếu sót đó.

Cuối cùng như đã nói ở phần đầu, điều trần là hoạt động mới song hiệu quả đạt được rất cao, tuy vậy còn nhiều trở ngại khi đưa vào thực hiện như: về tên gọi còn chưa quen; chưa tạo được sự đồng thuận đối với các cơ quan chức năng; quy trình tổ chức phiên điều trần chưa được phổ biến… Đề nghị QH và UBTVQH sớm thể chế hóa, bổ sung loại hình hoạt động này vào Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND, đồng thời có hướng dẫn cụ thể về cách thức tiến hành. Qua đó, tất cả các cơ quan dân cử từ QH đến HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 đưa vào thực hiện thống nhất trong cả nước.

Đoàn Đình Anh

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh

(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét