Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự Chương trình giao lưu văn hóa hướng về đoàn kết Việt Nam-Lào

Tiếp tục khẳng định mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước, tối 24/4, chương trình giao lưu văn hóa đặc biệt với chủ đề “Hướng về cội nguồn tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào” đã được tổ chức tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.


Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Quốc gia Lào.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đã tới dự và chia vui cùng đông đảo nhân dân hai nước trong Đêm hội văn hóa đoàn kết hữu nghị đặc biệt này.

Trong không khí thắm tình đồng chí, anh em, phát biểu tại Đêm hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam đã có từ hàng ngàn năm nay; đặc biệt là cùng các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayson Phomvihan dày công vun đắp đưa quan hệ hai nước ngày càng phát triển sâu sắc, toàn diện.


Trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ; tình hữu nghị đặc biệt ấy đã trở thành sức mạnh kỳ diệu đưa tới những thắng lợi vĩ đại của hai nước Việt Nam và Lào trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, phồn vinh. Mối quan hệ đó ngày càng phát triển và vươn lên tầm cao mới, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ tin tưởng, sự thành công của Đêm giao lưu sẽ là mốc son đánh dấu sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong Năm đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào.

Vui mừng được tham dự Đêm giao thắm tình hữu nghị đặc biệt này, thay mặt Quốc hội Lào, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou trân trọng gửi đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam những tình cảm tốt đẹp nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em. Chủ tịch Pany Yathotou cho rằng, Đêm hội này sẽ là dịp để các đại biểu Quốc hội và nhân dân hai nước giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; góp phần vun đắp vào tình hữu nghị hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou cũng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ hữu nghị, đoàn kết hai nước Lào - Việt Nam sẽ không ngừng phát triển tốt đẹp, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Trong Đêm hội, để hiểu thêm về tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc, khán giả được gặp gỡ và giao lưu với ông Samane Vignaket, nguyên Chủ tịch Quốc hội Lào; ông Huỳnh Đắc Hương, nguyên Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Khán giả cũng đã được nghe lại những câu chuyện xúc động về sự gắn bó mật thiết của nhân dân Lào và Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đồng thời các khách mời cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối nhân dân hai nước anh em, luôn dành sự ủng hộ giúp đỡ quý báu, to lớn và kịp thời đối với cách mạng Lào và Việt Nam; mong muốn tiếp tục gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt này mãi mãi trường tồn cùng nhân dân hai nước.


Cùng với các tiết mục giao lưu khách mời, xen kẽ với những phóng sự tổng hợp về lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào; quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước; kết quả Hội nghị giữa Quốc hội hai nước tại Sơn La, đêm hội đã làm sâu đậm thêm tình nghĩa thủy chung, gắn bó keo sơn giữa hai nước, hai dân tộc. Đặc biệt, khán giả còn được chứng kiến không khí vui mừng phấn khởi của bà con bản Lao Khô, xã Phiềng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La trong ngày được công nhận là một địa danh lịch sử cách mạng của hai nước Việt-Lào qua phóng sự về bản Lao Khô và Xiềng Vang.

Qua một số phóng sự, khán giả còn thấy được mối quan hệ tình cảm sâu đậm, đoàn kết đặc biệt, gắn bó thủy chung giữa hai nước luôn được thể hiện giản dị, hàng ngày trong mối quan hệ giữa nhân dân hai nước ở các bản làng biên giới. Đó chính là sự sẻ chia niềm vui cũng như những khó khăn để góp phần giữ vững an ninh vùng biên, giúp bà con hai nước yên tâm đoàn kết làm ăn sinh sống.

Trong chương trình giao lưu còn có nhiều tiết mục nghệ thuật do các đoàn nghệ thuật hai nước, các nghệ nhân và lưu học sinh Lào biểu diễn góp phần làm tô thắm thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân Việt Nam-Lào.

Chương trình giao lưu văn hóa “Hướng về cội nguồn tình đoàn kết đặc biệt Việt-Lào” khép lại với điệu múa xòe, múa lăm vông thắm tình đoàn kết hữu nghị.

TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự lễ khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào

Sáng 24/4, tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ cấp Bằng công nhận Khu di tích lịch sử quốc gia và động thổ xây dựng Khu di tích cách mạng Việt Nam - Lào.


Dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Về phía CHDCND Lào có Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, cùng đông đảo đại biểu của Quốc hội hai nước; các Bộ, ngành hai nước Việt Nam - Lào, tỉnh Sơn La và đông đảo bà con nhân dân bản Lao Khô, huyện Yên Châu.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo bà con của bản Lao Khô, các bản lân cận và đặc biệt là bà con xã Phiêng Sa, huyện Xiềng Khọ, nước bạn Lào đã có mặt đông đủ tại địa điểm diễn ra lễ động thổ xây dựng công trình.

Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô là một địa danh lịch sử thiêng liêng, ghi dấu sâu sắc về thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Kaysone Phomvihane và Đội xung phong Lào- Bắc tại Yên Châu, Sơn La giai đoạn từ năm 1948 - 1950.

Mảnh đất và con người ở bản Lao Khô này đã che chở, đùm bọc đồng chí Kaysone Phomvihane trong suốt quá trình ông hoạt động cách mạng. Với sự giúp đỡ của bà con dân bản, đặc biệt là gia đình cụ Tráng Lao Khô, hoạt động của lãnh tụ Kaysone, cũng như căn cứ cách mạng Lào những năm tháng đầu tiên tại Việt Nam được bảo vệ an toàn tuyệt đối, là tiền đề cho những thắng lợi sau này.

Di tích lịch sử đã được nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là một di sản quốc gia có giá trị về mặt lịch sử, gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hoá và truyền thống đoàn kết quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Khu di tích này được xây dựng trên diện tích 3.500 m2, gồm các hạng mục chính: Nhà tưởng niệm, Tượng đài hữu nghị Việt Nam – Lào; Bia dẫn tích; nhà trưng bày....

Phát biểu tại lễ động thổ, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou cho biết: Khu lưu niệm này là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác trong việc gìn giữ di tích lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng Lào và Việt Nam; Là một địa danh quan trọng để tuyên truyền giáo dục nhân dân và con cháu của hai nước về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Lào – Việt Nam, cũng như tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Kaysone Phomvihane.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Các cơ quan hữu quan đã tích cực phối hợp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để được công nhận đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 30 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào. Chủ tịch Quốc hội chúc tình hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào mãi mãi xanh tươi, trường tồn, bền vững và phát triển toàn diện.

Tại buổi lễ, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La và ông Khăm Hùng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn - Lào.

Ngay sau lễ trao bằng công nhận, lãnh đạo của hai Quốc hội cùng các đại biểu danh dự đã tiến hành động thổ xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào.

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã tham quan di tích nhà tù Sơn La; tham quan bản Nam, xã Hua La thành phố Sơn La - địa phương điển hình trong phát triển kinh tế từ cây cà phê. UBND tỉnh Sơn La cũng đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp tham dự hội nghị để giới thiệu và quảng bá các tiềm năng thế mạnh của mình để thu hút đầu tư.

Tuyết Lan-Hồng Việt/

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam-Lào


Ngày 23/4, tại tỉnh Sơn La, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đã phối hợp tổ chức hội nghị “Quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam-Lào, Đoàn kết-Hữu nghị.”. Hội nghị được tổ chức nhằm chào mừng năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào.


Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và bà Pany Yathotou, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Quốc hội Lào đồng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định hội nghị là dịp để hai nước cùng nhau ôn lại và làm sâu đậm thêm tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane dày công vun đắp.

Hội nghị cũng là dịp để hai bên cùng nhau trao đổi phương hướng, giải pháp thúc đẩy, phát triển quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước ngày càng keo sơn; hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng nâng cao chất lượng trên một tầm cao mới.

Thay mặt Quốc hội Lào, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou chân thành cảm ơn và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về sự giúp đỡ quý giá, kịp thời, hiệu quả đối với sự nghiệp cách mạng Lào trong suốt thời gian qua.

Chủ tịch Pany Yathotou nhấn mạnh mặc dù tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng nhưng tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam vẫn tiếp tục được vun đắp và phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, vì sự phồn vinh của hai dân tộc, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.

Tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam-Lào nêu rõ trong 35 năm qua, hợp tác về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của hai nước tiếp tục được tăng cường; hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật ngày càng đa dạng với chất lượng, hiệu quả được nâng lên; quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban Đảng, bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương của hai nước ngày càng được mở rộng và thiết thực.

Kim ngạch thương mại cơ bản tăng đều và ổn định qua từng năm. Hoạt động đầu tư sôi động và đạt được những kết quả khả quan với nhiều dự án lớn nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi nước và có tác động trực tiếp tới phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Nhất trí cao với đánh giá của Chủ tịch Quốc hội hai nước, vui mừng được tới dự hội nghị, đồng chí Somsavat Lengsavad, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Phân ban hợp tác Lào-Việt Nam đề nghị hai bên tiếp tục tích cực đẩy mạnh sự hợp tác đồng thời ở cả ba cấp: Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp; không ngừng đưa quan hệ hợp tác hai nước ngày càng phát triển toàn diện, thiết thực và có kết quả cao hơn; tránh rập khuôn, hình thức.

Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad đề nghị Quốc hội hai nước tăng cường phối hợp thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện các chương trình, thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, kể cả lĩnh vực pháp lý, cơ chế, chính sách… nhằm ngăn chặn và xóa bỏ những cản trở, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nhau vững bước tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Cũng trong sáng 23/4, hội nghị đã nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Cao Viết Sinh, Phó Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam-Lào và ông Phonsouk Khounsombath, Phó Chủ tịch Phân ban Hợp tác Lào-Việt Nam báo cáo về tình hình, kết quả và đề xuất phương hướng tăng cường hợp tác giữa hai nước.

(TTXVN)

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đón nhận phần thưởng cao quý

Ngày 22/04, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức kỷ niệm 55 thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Nhà nước CHXHCNVN (lần 2), Huân chương Độc lập của Nhà nước CHDCND Lào và Huân chương Hoàng gia hạng Nhất của Campuchia.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ Lào, lãnh đạo Chính phủ Hoàng gia Campuchia; các cơ quan Ngoại giao, địa diện các định chế tài chính trong nước và quốc tế đến dự.

Trong suốt 55 năm xây dựng và phát triển, BIDV đã có những đóng góp quan trọng trong việc đầu tư xây dựng các dự án, công trình, nhà máy trọng điểm như: Đường tàu Thống Nhất, hồ thủy lợi Dầu Tiếng, công trình dầu khí Việt - Xô, thủy điện Trị An, nhiệt điện Phả Lại, đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, cầu Thăng Long… cùng hàng nghìn các công trình lớn nhỏ, thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề trên khắp đất nước.

Từ chức năng ban đầu là cấp phát vốn, thí điểm cho vay rồi chính thức cho vay, đến huy dộng vốn để cho vay, BIDV đã trở thành một ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu với số vốn 21 tỷ USD và 5 triệu khách hàng trong nước cùng các định chế tài chính toàn cầu. Hiện nay BIDV đang hướng tới mục tiêu xây dựng trở thành một tập đoàn tài chính ngang tầm khu vực, với 4 trụ cột hoạt động: ngân hàng - bảo hiểm- chứng khoán – đầu tư tài chính.


BIDV đã đi trước đón đầu thực hiện sự thay đổi và phát triển của đất nước, tích cực thực hiện các an sinh xã hội, thực hiện thành công các chương trình, mục tiêu quốc gia của nhà nước đặc biết là chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các dự án xóa đói giảm nghèo, xây dựng các vùng nông thôn mới theo nguồn vốn ODA…

Trong những năm gần đây, BIDV đã trở thành một  định chế tiên phong mở đường để cùng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài, như Lào, Campuchia, Myanmar, Liên bang Nga, Cộng hoà Séc... Những bước đi mạnh mẽ và thành công ban đầu của BIDV đã được cộng đồng các doanh nghiệp tín nhiệm trong vai trò là Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, Campuchia, Myanmar.  

Với những thành tựu đã đạt được, BIDV đã được Đảng, Nhà nước tặng các danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng thời kì Đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động các hạng; được Nhà nước Lào tặng Huân chương Độc lập, Huân chương Hữu nghị, Huân chương Lao động. BIDV cũng được Campuchia tặng Huân chương Hoàng gia hạng Nhất.


Chúc mừng những phần thưởng cao quý mà BIDV đón nhận hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những kết quả mà BIDV đạt được trong công cuộc xây dựng đất nước, nhất là trong việc triển khai kết nối các doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước, mở rộng đầu tư sang các thị trường ngoài nước, góp phần mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, bồi đắp truyền thống quan hệ toàn diện hơn giữa Việt Nam và các nước bạn Lào, Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, BIDV tiếp tục nỗ lực làm tròn trách nhiệm mà Đảng và Nhà nước giao phó, luôn tiên phong thực thi các chính sách tiền tệ và thực hiện công tác an sinh xã hội, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.

Theo Chinhphu.vn


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng dự Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc

Nhân kỷ niệm 65 năm Bác Hồ viết thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, Gia Lai (19/4), tối 19/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam.


Đây là chương trình điểm nhấn của Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2012 được tổ chức trong 2 ngày 18-19/4, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Với chủ đề “Vận hội năm Rồng-Đại đoàn kết, Khát vọng và Thăng hoa," Liên hoan Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2012 là cơ hội giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các dân tộc, góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Đêm hội tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam có sự tham gia của 14 cộng đồng dân tộc từ 10 tỉnh, thành phố bao gồm H’Mông, Tày (Hà Giang); Dao, Thái (Sơn La); Mường (Hòa Bình); Nùng (Lạng Sơn); Bah Nar, Gia Rai (Kon Tum); M’Nông (Đắk Nông), Ê Đê (Đắk Lắk); Chăm, Khmer (An Giang); Hoa (Thành phố Hồ Chí Minh) và cộng đồng dân tộc Kinh đến từ Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu tại Đêm hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh hàng ngàn năm qua, trong suốt chặng đường lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; đồng thời không ngừng sáng tạo, trao truyền, bồi đắp nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, kết tinh thành giá trị văn hóa truyền thống, mang bản sắc dân tộc Việt Nam hết sức đặc sắc, độc đáo.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng thực hiện nhất quán chính sách bình đẳng, đại đoàn kết các dân tộc, quan tâm chăm lo phát triển văn hóa, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa ngày càng được hoàn thiện, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy mạnh giao lưu quốc tế, xây dựng những giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các địa phương, vùng, miền, tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc sẽ góp phần tích cực trong bảo tồn, quảng bá và phát triển văn hóa Việt Nam, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam và tạo động lực cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.

Đêm hội tôn vinh là chương trình nghệ thuật đặc sắc hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, khắc họa hình tượng Rồng bay lên cùng vận hội mới của đất nước với các tiết mục đa dạng, giàu giá trị nghệ thuật của cộng đồng dân tộc Việt như Trống hội rồng bay với gần 100 nghệ sỹ, diễn viên; đặc sắc văn hóa chợ Việt Nam, tái hiện quang cảnh các phiên chợ vùng cao Tây Bắc, các phiên chợ nổi nhộn nhịp của đồng bào Tây Nam Bộ, chợ Đồng bằng Bắc Bộ sống động, vui tươi; các màn hợp tấu dân ca ba miền, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, múa rối nước, dân ca Kinh Bắc, hát xoan, ca vọng cổ…

Trong khuôn khổ Liên hoan còn diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch với gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, dịch vụ, khách sạn của cả nước. Các gian hàng đã quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, cũng như kết nối điểm, tuyến, tour du lịch khai thác hiệu quả tại Làng Văn hóa trong thời gian tới.

Sự kiện này cũng là hoạt động ghi nhận những đóng góp tích cực của cộng đồng các dân tộc trong quá trình tham gia khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc thuộc Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Liên hoan còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Làng tới du khách trong và ngoài nước.

Trong hai ngày diễn ra Liên hoan, bà con các dân tộc đã tham gia nhiều hoạt động cộng đồng bổ trợ khác như tình diễn xe ôtô địa hình, đấu vật (Bắc Ninh), nhảy lửa (Pà Thẻn), võ thuật Lâm Sơn Động, võ Sáo (Bắc Giang), thi trượt patanh, thi câu cá... tạo không gian văn hóa đặc sắc, tiêu biểu tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.

Theo (TTXVN)

Đề án tái cơ cấu kinh tế chưa lường tới chi phí triển khai

Nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm tới chi phí thực hiện đề án cũng như những tác động, hệ lụy có thể gây ra trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, bản báo cáo trình phiên họp sáng nay chưa đề cập những vấn đề này.

Sau 4 tháng chuẩn bị, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo chính thức tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sáng nay, với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các phó chủ tịch, chủ nhiệm các hội đồng và ủy ban. Hai bộ trưởng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ phân công tới trình bày báo cáo và giải đáp các chất vấn của Thường vụ Quốc hội.


Báo cáo đề án do Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước Thường vụ đã có những điều chỉnh đáng kể so với bản thảo gửi đi ngày 5/4. Nếu như mục tiêu tái cơ cấu trong báo cáo cũ được trích ra từ Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội 2011-2020 thì báo cáo sáng nay đã nêu cụ thể hơn, với 5 nội dung chính.

Báo cáo đề án hôm 5/4 mới đưa ra định hướng chung về tái cơ cấu các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và tái cơ cấu các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển. Nhưng báo cáo trình sáng nay đã phân tách định hướng tái cơ cấu tổng thể thành 5 hợp phần, gồm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cuối cùng là tái cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu các vùng kinh tế.

Nếu như trước đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 12 giải pháp tái cơ cấu kinh tế thì hôm nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu 13 giải pháp. Riêng giải pháp “Ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy và hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững” đã được chi tiết hóa thành các giải pháp đối với từng hợp phần như tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, tái cơ cấu đầu tư nhà nước, và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng được coi là những giải pháp ưu tiên triển khai trong giai đoạn trước mắt, 2012-2015. Trong đó, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán và các định chế tài chính là để loại bỏ các nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán; làm cho hệ thống các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng trung gian tài chính và chuyển tải tác động của chính sách tiền tệ đến khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình.

Phần lớn các ý kiến thảo luận tại phiên họp sáng nay đều đánh giá cao sự khẩn trương và nghiêm túc của Chính phủ cũng như các bộ ngành trong việc xây dựng đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên Thường vụ Quốc hội đòi hỏi tiếp tục bổ sung, chi tiết hóa và lượng hóa nhiều nội dung của đề án.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cách đặt vấn đề của đề án chưa nêu bật các điểm đặc trưng, sự cần thiết phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đồng thời đề nghị bổ sung hoàn cảnh, điều kiện tái cơ cấu (tái cơ cấu trong bối cảnh hậu khủng hoảng tài chính 2008, khủng hoảng nợ công 2010-2011 và bối cảnh của Việt Nam sau hơn 25 năm đổi mới), bổ sung định hướng những lĩnh vực sẽ được tái cơ cấu, sắp xếp thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện.



Bản đề án cũng bị Ủy ban Kinh tế "chê" khi chưa tính toán tới chi phí cần thiết cũng như đánh giá tác động của việc thực hiện đề án đối với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đã được đề ra. Các ý kiến trong ủy ban cho rằng, tính toán chi phí (bao gồm cả chi phí kinh tế, xã hội và thời gian) là hết sức cần thiết, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực.
"Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra những tính toán về chi phí xã hội như sắp xếp lại việc làm cho lao động dôi dư do tái cơ cấu là cần thiết, để có giải pháp phù hợp như bồi dưỡng, đào tạo lại", Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu rõ trong báo cáo thẩm tra đề án.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ nhiều chuyên gia "kêu" với bà về việc đề án chỉ đề cập tới mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, hướng triển khai mà chưa phân tích kỹ lưỡng chi phí để tái cơ cấu. Theo bà điều này cần được bổ sung vòa đề án, bởi sự cấu trúc lại, dịch chuyển ắt sẽ phát sinh chi phí, tác động tới các đối tượng liên quan. Chẳng hạn, tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ có doanh nghiệp phá sản, giải thể, dẫn tới thất nghiệp mất việc làm, đào tạo lại nguồn nhân lực.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước khiêm tốn nhận mình không rành về lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng rất băn khoăn về tác động của quá trình tái cấu trúc tới kinh tế, xã hội. Theo ông, Chính phủ cần làm rõ nếu thực hiện đủ cả 13 giải pháp nêu ra trong đề án thì sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế trong ngắn hạn cũng như trung hạn.

"Liệu 10 năm sau có đạt được mục tiêu đề ra hay không. Thực hiện đề án này thì trong vòng 5 năm thất nghiệp sẽ là bao nhiêu, phải làm gì. Nguồn thu ngân sách nhà nước có giảm hay không, có đạt hay không, tốc độ thu ảnh hưởng thế nào? Giải quyết tình hình đói nghèo thế nào khi cơ cấu đầu tư công phải thay đổi? Tôi rất muốn nghe một báo cáo về tác động khi thực hiện đề ái tái cấu trúc này", ông Phước đề nghị.

Đại biểu Trương Thị Mai cũng quan tâm tới vấn đề nguồn lực, bởi theo bà chi phí này rất quan trọng khi triển khai đề án. Chi phí cải cách kinh tế để vượt qua khủng hoảng ở các nước trên thế giới, theo bà, thường ở mức 5-10%, thậm chí có nơi tới 30-40%.

"Đề án của chúng ta cần làm rõ điều này, trong đó cho biết nhà nước bỏ ra bao nhiêu, doanh nghiệp bỏ ra bao nhiêu, xã hội tham gia thế nào", bà nói.

Là Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Mai đặc biệt lo lắng tới vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động. Đề án của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng cơ cấu lao động cần được chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, bà Mai e điều này khó khả thi bởi thực tế cơ cấu lao động luôn dịch chuyển chậm hơn. Chẳng hạn trong giai đoạn 2001-2010 nông nghiệp đóng góp hơn 20% GDP nhưng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn lại chiếm 50%. Trong khi đó, lao động nông nghiệp nông thôn thường là thủ công, trình độ thấp, để hướng tới nâng cao chất lượng và giảm dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực này cần có thời gian.

"Chuyển dịch cơ cấu càng nhanh thì sự tổn tương gây ra cho lao động càng lớn. Vì vậy, phải tính toán làm sao để quá trình chuyển dịch này giảm bớt sự tổn thương. Đề án cũng chưa đề cập tới quan hệ lao động. Nếu không tính toán xây dựng quan hệ lao động phù hợp thì sau 10 năm tái cơ cấu, người lao động vẫn chịu nhiều thiệt thòi", bà Mai nói.

Là người am hiểu về lĩnh vực kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cơ cấu kinh tế không phải là vấn đề mới, mà Việt Nam đã thực hiện từ nhiều năm nay, từ thời kinh tế kế hoạch, cho tới giai đoạn đổi mới và hiện nay lại đặt lại vấn đề này. Tuy nhiên, cách làm và mô hình phải phù hợp với từng thời kỳ. Đề án tái cơ cấu là một đơn đặt hàng Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị để đưa ra nghị trường trong kỳ họp tới. Quốc hội chưa yêu cầu phải có ngay đề án chi tiết, nhưng theo Chủ tịch, ban soạn thảo cần làm rõ phạm vi đề án, trong đó xác định rõ cái tổng thể, và làm rạch ròi từng đề án thành phần, xác định trọng tâm, đột phá..

"Phải đặt ra được phạm vi để từ đó làm rõ tái cơ cấu sẽ hình thành mô hình mới cho giai đoạn này, đáp ứng được yêu cầu năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn và hiệu quả cao hơn", ông nói.

Ông cũng lưu ý tái cơ cấu kinh tế chắc chắn sẽ có những tác động không chỉ tới kinh tế, mà cả tới xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng và đối ngoại của đất nước. Vì vậy, ông đề nghị làm rõ tác động đó sẽ như thế nào để xác định giới hạn, phạm vi khi triển khai.

"Trình ra Quốc hội thì phải nêu rõ cái gì Nhà nước làm, nếu làm thì Nhà nước làm tới đâu, nếu không khéo sẽ quay trở lại thời kinh tế kế hoạch. Nếu cái gì nhà nước cũng muốn đề ra, muốn quản lý, muốn chỉ đạo, can thiệp thì tôi thấy rõ có dáng dấp trở lại thời đó".

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết đề án hôm nay mới mang tính tổng thể. Sau khi được Quốc hội thông qua, các bộ ngành sẽ dựa trên các nguyên tắc chung này để chuẩn bị các đề án chi tiết hơn, xây dựng các đề án riêng cho ngành của mình để Chính phủ duyệt và triển khai.

Với các hợp phần tái cơ cấu đã xác định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao làm đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế, đồng thời chịu trách nhiệm xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư công. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lo đề tái tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Bộ Tài chính "gánh" hai đề án, bao gồm đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu thị trường tài chính.

Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế nhìn chung đạt yêu cầu đề ra. Nhưng để nâng cao chất lượng và tính thuyết phục, ban soạn thảo và ban thẩm tra cần tiếp thu ý kiến để bổ sung, hoàn chỉnh. Các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu và bổ sung báo cáo đánh giá tác động của việc triển khai đề án tới xã hội, môi trường, sự ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và đối ngoại.

Bộ trưởng Vinh thừa nhận phạm vi báo cáo rộng, nhiều vấn đề nên ban soạn thảo rất cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên môn. Tới đây, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức hội thảo với các đối tác phát triển để lắng nghe ý kiến tư vấn của họ.

Theo kế hoạch, 27/4 Quốc hội cũng sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với các tỉnh thành. Trước mắt, trong đề án tổng thể, sau khi được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến, tiếp thu rồi hoàn chỉnh và báo cáo Chính phủ. Chính phủ sẽ dành một phiên thảo luận về vấn đề này.

Do tính quan trọng của chủ đề tái cấu trúc kinh tế, và cần thời gian cho các bộ trưởng giải trình, Chủ tịch Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thảo luận thêm một tiếng buổi chiều, thay vì chỉ dành một buổi sáng như kế hoạch ban đầu.

Song Linh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Phó Chủ tịch Hiệp hội Hòa Tài (Trung Quốc)


Chiều 18-4, tại Trụ sở QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Ðoàn đại biểu Hiệp hội Nhân dân Trung Quốc vì Hòa bình và Tài giảm quân bị (Hòa Tài) do đồng chí Lệ Vô Úy, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp), Phó Chủ tịch Hòa Tài dẫn đầu đang thăm và làm việc tại nước ta.



Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt chào mừng đồng chí Lệ Vô Úy và Ðoàn tới thăm Việt Nam; hoan nghênh kết quả hợp tác giữa Hiệp hội Hòa Tài Trung Quốc với Ủy ban Hòa bình Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết, giao lưu giữa nhân dân hai nước. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, góp phần tích cực vào sự nghiệp thúc đẩy hòa bình và cắt giảm vũ khí trên thế giới; khẳng định, QH và nhân dân Việt Nam luôn theo dõi và nỗ lực hết mình để phát triển quan hệ truyền thống, hữu nghị Việt - Trung đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Ðông và các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản quý giá để các thế hệ mai sau tiếp tục gìn giữ, phát huy. Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình cùng Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc anh em không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt

Nam - Trung Quốc vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển; nhấn mạnh, QH Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Ðại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc. Hai bên cần tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm công tác, bảo đảm cho Chính phủ hai nước triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác; đồng thời tích cực phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn nghị viện khu vực và thế giới.

Phó Chủ tịch Hòa Tài Lệ Vô Úy bày tỏ vui mừng được đến thăm và làm việc tại Việt Nam; khẳng định mục đích chuyến thăm của Ðoàn nhằm làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Nhà nước, giữa tổ chức Hòa Tài với QH, Ủy ban Hòa Bình Việt Nam; chúc mừng những thành tựu của nhân dân Việt Nam trong công tác xây dựng, phát triển đất nước; nhấn mạnh, Việt Nam - Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng, có quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời; bày tỏ mong muốn QH hai nước đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác lập pháp, giám sát, góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị Việt  - Trung mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Chiều 18-4, tại Hà Nội, đồng chí Huỳnh Ðảm, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tiếp thân mật đồng chí Lệ Vô Úy, Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hòa Tài nhân dịp Ðoàn đại biểu Hiệp hội sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi gặp, đồng chí Huỳnh Ðảm và đồng chí Lệ Vô Úy thông báo về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội  của mỗi nước, bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị giữa hai Ðảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc; mong muốn thời gian tới, hai nước tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu thanh niên, nhằm không ngừng tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, cùng nhau phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng quốc gia giàu mạnh.

Sáng 18-4, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Văn Kiền đã tiếp Ðoàn đại biểu Hòa Tài (Trung Quốc) do đồng chí Lệ Vô Úy, Phó Chủ tịch Chính hiệp, Phó Chủ tịch Hòa Tài dẫn đầu đang thăm Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Bulgaria

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, quan hệ hữu nghị giữa hai nước có bề dày lịch sử lâu đời, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Bulgaria trên mọi lĩnh vực.


Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Đoàn đại biểu Cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Bulgaria do bà Tsetska Tsacheva, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã tới Việt Nam.



Sáng 16/4, sau lễ đón chính thức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Quốc hội Tsetska Tsacheva đã chủ trì hội đàm.

Tại cuộc hội đàm, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ đối ngoại của hai nước; thống nhất các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình, dự án phối hợp của hai Chính phủ và nhân dân hai nước.

Bà Tsetska Tsachevacho rằng, mặc dù thế giới đang chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cơ hội để Việt Nam và Bulgaria đẩy mạnh quan hệ hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, xây dựng, trao đổi hàng hóa, nông sản thực phẩm, y tế. Bên cạnh kinh tế, thương mại, hai nước cũng đang có nhiều kết quả tích cực trong hợp tác về giáo dục, an ninh, quốc phòng.

Bà Chủ tịch Tsetska Tsacheva cũng cho biết, với nền văn hóa lịch sử lâu đời, vị trí địa chính trị thuận lợi, Việt Nam và Bulgaria có nhiều tiềm năng thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực du lịch.

Tán thành những đề nghị hợp tác của bà Chủ tịch Tsetska Tsacheva dành cho Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, quan hệ hữu nghị giữa hai nước có bề dày lịch sử lâu đời. Vệt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Bulgaria trên mọi lĩnh vực. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để Bulgaria tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN nhằm nâng cao vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ làm hết sức mình để không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam – Bulgaria ngày càng đạt được những thành tựu mới.

Tại cuộc hội đàm, hai bên sẽ tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn các cấp để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm hoạt động lập pháp, giám sát; tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác giữa các cơ quan chuyên môn của hai Quốc hội và các nghị sĩ nhằm tạo sự hiểu biết lẫn nhau; thực hiện nghiêm túc Biên bản ghi nhớ song phương. Quốc hội hai nước phối hợp giám sát việc thực hiện các Thỏa thuận, chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hai nước đầu tư và kinh doanh tại nước sở tại. Tại các diễn đàn nghị viện đa phương, hai bên tiếp tục hợp tác và ủng hộ lẫn nhau, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.

Sau hội đàm, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Tsetska Tsacheva đã ký Biên bản ghi nhớ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Bulgaria. Đây chính là cơ sở pháp lý để tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Hai nhà lãnh đạo Quốc hội dự và chứng kiến Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Trần Đại Quang và Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về An ninh, Thông tin Bulgaria Tsveta Markova ký văn bản hợp tác giữa hai cơ quan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Khoa học Bulgaria Sergey Ignatov ký văn bản hợp tác giữa hai cơ quan.

Chủ tịch QH Bulgaria bắt đầu thăm chính thức VN


Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chiều 14/4, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Cộng hòa Bulgaria do bà Tsetska Tsacheva, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã tới Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam.



Cùng đi với bà Tsetska Tsacheva có ông Rumen Dangovski, Phu quân Chủ tịch Quốc hội; Giáo sư, tiến sĩ Sergey Ignatov, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Khoa học; bà Tsveta Markova, Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về An ninh thông tin; ông Stoyan Petkov, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Cộng hòa Bulgaria tại Việt Nam; Ông Ivan Petrov Ivanov, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Bulgaria-Việt Nam, Ủy viên Ủy ban An ninh và Trật tự xã hội, Đại biểu Quốc hội Đảng GERB; ông Dimitar Dabov, Thành viên Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hội đồng An ninh quốc gia, Đại biểu Quốc hội của Liên minh vì Bulgaria; Bà Nigyar Dzhafer, Phó Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Ủy viên Ủy ban Y tế, Đại biểu Quốc hội của Phong trào vì Quyền và Tự do; ông Ventsislav Lakov, Phó Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Ủy viên Ủy ban Chính sách đối ngoại và Quốc phòng, Ủy viên Ủy ban Nông Lâm, Đại biểu Quốc hội Đảng Ataka; ông Mihail Mihailov, Thành viên Nhóm nghị sỹ hữu nghị, Ủy viên Ủy ban Nông Lâm, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Xã hội và Truyền thông, Đại biểu Quốc hội của Liên minh Đảng Xanh; ông Veselin Vuchkov, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và một số quan chức Ngoại giao Cộng hòa Bulgaria.

Bà Tsetska Tsacheva đã được Quốc hội Bungari bầu là Chủ tịch Quốc hội thứ 41 và là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Quốc hội Bulgaria. Bà sinh năm 1958 tại Lovech, Bulgaria; tốt nghiệp ngành Luật tại trường Đại học Sofia. Bà từng đảm nhiệm các vị trí: Cố vấn Pháp lý; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hội đồng TP. Pleven; Thành viên Toà án thành phố Pleven.

Bà Tsetska Tsacheva là sáng lập viên của Hiệp hội công dân vì sự phát triển của tại Bulgaria và Đảng Chính trị GERB tại thành phố Pleven; Lãnh đạo đảng GERB tại địa phương. Từ 14/6/2009, bà giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bulgaria.

Quang Vũ

‘Giá điện, xăng còn xa mới thả được cho thị trường’

Nhà nước tiếp tục giữ quyền định giá, thực hiện bình ổn với nhiều mặt hàng cơ bản theo dự Luật Quản lý giá sắp được trình Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này không phù hợp để tiến tới cơ chế giá thị trường.

Từ gần một năm nay, dự thảo Luật Quản lý giá đã được Bộ Tài chính, Quốc hội và các cơ quan khác của Chính phủ xây dựng, thảo luận nhưng chưa thể đi đến thống nhất. Để kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thậm chí đã phải đề xuất dành thêm thời gian cho Bộ Tài chính xây dựng lại 4 điều liên quan đến việc định giá của Nhà nước, mặc dù chương trình thảo luận về dự án luật này của Thường vụ Quốc hội lẽ ra phải kết thúc trong ngày 11/4.



Sau nhiều lần cho ý kiến, mâu thuẫn lớn nhất còn lại giữa các cơ quan xây dựng và thẩm định luật chính vẫn là việc Nhà nước sẽ can thiệp đến đâu, như thế nào tới điều hành giá, thông qua phân loại các nhóm mặt hàng: Nhóm nào được đưa vào diện bình ổn (Nhà nước có thể can thiệp bằng kinh tế, hành chính… khi có diễn biến bất thường), nhóm nào Nhà nước kiên quyết giữ quyền định giá (giá chính xác, giá trần, giá sàn)…

Xăng dầu (thành phẩm) và điện được coi là những ví dụ điển hình nhất về ý kiến trái chiều của các cơ quan chức năng trong việc điều hành giá. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mặt hàng này vừa thuộc danh mục hàng hóa bình ổn, vừa thuộc nhóm do Nhà nước định giá chính xác. Người có quyền ra quyết định định giá là Bộ trưởng Tài chính hoặc cấp tương đương.

Đề xuất này khiến nhiều đại biểu, trong đó có cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thắc mắc. Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ông Hùng cho rằng Việt Nam đang cố gắng điều hành giá nhiều mặt hàng cơ bản theo hướng thị trường. Như vậy, việc đưa ra quy định mà Nhà nước là cơ quan duy nhất có quyền định giá là tương đối “khó nghe”.

“Riêng như chuyện xăng dầu, cố gắng lắm ta mới điều hành được theo hướng thị trường một chút. Nhưng luật ra đời theo hướng này thì Nghị định 84 phải chăng là bỏ?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Chia sẻ quan điểm với Chủ tịch, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý rằng việc điều hành giá cần tuân thủ các nguyên tắc cam kết quốc tế, đồng thời không đi ngược lại luật doanh nghiệp, trong đó quy định “doanh nghiệp có quyền tự do định giá. Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ Công Thương, do đã có quy định tại Nghị định 84 nên chỉ cần đưa xăng dầu vào danh mục bình ổn, Nhà nước không nhất thiết phải giữ quyền định giá.

Lý giải về đề xuất này tại phiên làm việc của Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Trần Văn Hiếu cho biết Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cơ chế giá thị trường, nhưng chưa hoàn chỉnh. Trong vài năm tới, rất khó xóa tình trạng độc quyền ở một số mặt hàng như xăng dầu và đặc biệt là điện. Do vậy, Nhà nước trước mắt vẫn cần giữ quyền định giá chính xác, hoặc đặt ra giá trần, giá sàn để đảm bảo doanh nghiệp không thể thao túng giá. “Tuy nói là định giá nhưng Nhà nước luôn cố gắng để điều hành mức giá này sao cho sát nhất với thị trường”, ông Hiếu cam kết.

Tuy vậy, tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ cân nhắc khả năng đưa xăng dầu ra khỏi danh mục Nhà nước định giá, chỉ giữ lại ở nhóm bình ổn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị giữ nguyên việc định giá với điện bởi đây hiện vẫn là mặt hàng độc quyền tại Việt Nam.

Chia sẻ với đề xuất này nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tuy chưa có giá thị trường thực sự hoàn chỉnh đối với một số mặt hàng nhưng Việt Nam cũng không còn ở thời kỳ “bao cấp”. Do vậy, việc thiết kế luật giá cần có “tính mở” để dần hướng tới việc đình giá theo thị trường.

Ngoài ra, ông Hùng cũng lưu ý đến phản hồi của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (Eurocham, Amcham…) xung quanh việc đăng ký giá. Theo đó, việc xây dựng luật cần đảm bảo đúng theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ Tài chính, thắc mắc của các hiệp hội nêu trên chủ yếu liên quan đến vấn đề giá sữa. Trong khi đó, việc đăng ký giá này là khá phổ biến theo thông lệ quốc tế và không vi phạm cam kết WTO. Do vậy, việc đăng ký và yêu cầu tuân thủ giá đăng ký sẽ tiếp tục được quy định trong dự luật sắp tới.

Nhật Minh

Không nên bóp chặt hoạt động in ấn


Ngày 12-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật xuất bản, in, phát hành.

Ông Son cho biết một trong những bất cập lớn là hiện nay cả nước có khoảng 1.500 cơ sở in nhưng việc quản lý lại không cùng một khung pháp lý. Theo đó, chỉ có khoảng 400 cơ sở được cấp phép in ấn xuất bản phẩm mới thuộc diện điều chỉnh bởi Luật xuất bản, còn lại 1.100 cơ sở in ấn điều chỉnh bởi luật khác, quản lý lỏng lẻo. "Vấn đề đáng quan ngại là trong số 1.100 cơ sở in (không có chức năng xuất bản phẩm theo giấy phép được cấp) thì gần như 100% đều có khả năng in được xuất bản phẩm. Việc quản lý tách bạch theo chức năng đối với mỗi cơ sở in là rất khó khăn.

Lợi dụng điều này, một số cơ sở in tuy không có chức năng in xuất bản phẩm nhưng vẫn thực hiện in hoặc tiếp tay cho các đối tượng khác để in xuất bản phẩm trá hình nhằm trục lợi bất chính. Vấn nạn in lậu đến nay gây thiệt hại lớn về kinh tế và làm suy kiệt các nhà xuất bản làm ăn chân chính, đúng pháp luật" - ông Son nói. Ông cho rằng "hoạt động in ấn, xuất bản là hoạt động sản xuất vũ khí tư tưởng, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, bảo vệ Ðảng, chế độ và chủ quyền đất nước" nên cần được quản lý chặt chẽ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng "có đưa 1.100 cơ sở in vào điều chỉnh trong luật này không thì cần phải tính". Theo ông, xã hội tiến bộ hơn thì ngày càng phải rộng mở hơn, chứ không phải hạn chế lại hoặc cấm, điều quan trọng là công tác kiểm tra, thanh tra, chế tài, tổ chức phải tốt. "Xuất bản cũng đâu chỉ duy nhất làm công tác tư tưởng, đường lối, mà nó rất phong phú, cung cấp cho người dân ấn phẩm về kỹ thuật, văn hóa, giải trí... Nếu quản lý theo hướng bóp chặt quá thì không nên" - ông Hùng nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Ðào Trọng Thi, hiện nay việc in xuất bản phẩm chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, không nên vì nó mà quản chặt quá làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. "Ðồng tình là quản chặt hơn, nhưng không đến mức mọi hoạt động xuất bản, in, phát hành cứ phải cấp giấy phép. Chỉ quản lý đối với các xuất bản là ấn phẩm thôi, chứ còn in tiền, bao bì, nhãn hiệu... thì nó thuộc hoạt động kinh tế - kỹ thuật, không thuộc phạm trù quản lý của Bộ Thông tin - truyền thông" - ông Thi bình luận.

* Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật luật sư (sửa đổi). Dự thảo luật quy định đối với các vụ án hình sự, vẫn duy trì việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, nhưng giấy chứng nhận này có giá trị trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng, đồng thời, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa. Ðồng tình với quy định này nhưng chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thể hiện quan điểm của Ủy ban Tư pháp là "về lâu dài, cần nghiên cứu bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo và người bị tạm giữ".

LÊ KIÊN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp các cán bộ ngoại giao mới được bổ nhiệm

Chiều 9/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp thân mật 25 cán bộ làm công tác đối ngoại mới được chỉ định giữ cương vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam và Tổng Lãnh sự tại nước ngoài.




Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng các Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm lần này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao vai trò của ngành Ngoại giao và các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc kết nối Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Các Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao quán triệt tốt các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về công tác ngoại giao; nỗ lực phát huy toàn diện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xúc tiến mạnh mẽ các chương trình, dự án hợp tác song phương, đa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Về phía mình, đại diện các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ quyết tâm sẽ làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tiến bộ và giàu mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: khai mạc phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng nay, 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 7. Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo về một số vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.



Về các hình thức xử phạt, ông Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng”. Hình thức xử phạt “buộc lao động phục vụ cộng đồng” thực chất là hình thức bắt buộc lao động, mà trong điều kiện hiện nay không có tính khả thi. Nếu quy định hình thức xử phạt này thì việc tổ chức thực hiện, quản lý đối tượng rất khó khăn và dễ dẫn đến vi phạm quyền cơ bản của công dân. Hơn nữa, hình thức xử phạt này không phù hợp với Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị không bổ sung hình thức này vào dự thảo Luật.

Liên quan đến mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, do còn có ý kiến khác nhau, Thường trực UB Pháp luật đưa ra hai phương án. Phương án 1, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân; đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác. Đây là phương án được Thường trực UB Pháp luật ủng hộ. Phương án 2, mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng trừ trường hợp quy định tại luật khác.

Không chỉ đồng tình với việc áp dụng trần phạt cao hơn đối với tổ chức, pháp nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển còn có quan điểm nghiêm khắc hơn. “Phạt 2 tỷ đồng với tổ chức pháp nhân nhiều khi vẫn chưa thấm tháp gì. Đề nghị nghiên cứu quy định mức phạt nặng hơn nữa”, ông nói. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, mức phạt càng cao bao nhiêu thì chuyện thương lượng, hối lộ cán bộ càng dễ xảy ra bấy nhiêu. Cho nên Luật phải thiết kế “chốt chặn” hiện tượng tiêu cực này. Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng…

Về quy định mức phạt tiền cao hơn, nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, theo ông Phan Trung Lý, đa số ý kiến ủng hộ, song cũng có ý kiến không tán thành sự “phân biệt đối xử” này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đều cho rằng, việc áp dụng trần phạt cao hơn trong một số trường hợp vi phạm tại khu vực nội đô các thành phố trực thuộc trung ương là cần thiết, vì tác hại của hành vi vi phạm trong các khu vực đông dân cư này lớn hơn nhiều so với các trưởng hợp khác. Tuy nhiên, ông Giàu đề nghị bổ sung một số thành phố lớn khác như Nha Trang, Hạ Long, Huế… vào danh sách này mà không chỉ bó hẹp tại 5 thành phố trực thuộc trung ương. Có cùng quan điểm, song Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói thêm: “Cần bổ sung lĩnh vực vi phạm bị phạt nặng hơn trong lĩnh vực môi trường và quản lý đô thị. Ví dụ với môi trường nội đô thì bổ sung thêm hành vi gây ra tiếng ổn, xả thải trái phép hoặc quản lý đô thị thì phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, bạo lực gia đình… cần đưa vào diện này”.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quan tâm đến hình thức xử phạt với tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính trong trường hợp tang vật, phương tiện đó không thuộc sở hữu của người vi phạm, cụ thể như đối với hành vi đua xe.

Ông Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung  quy định đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để thực hiện hành vi vi phạm mà không thuộc sở hữu của người vi phạm thì được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

“Chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp không có lỗi và họ không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra. Do đó, nếu tịch thu tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép sẽ làm phương hại đến quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức được Hiến pháp, pháp luật quy định, đồng thời làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội khác (cho mượn, cho thuê tài sản)…”, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật giải thích, ông Lý cho biết thêm.

Mặc dù vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng, đối với tang vật, phương tiện đó cũng cần phải tịch thu, đặc biệt là trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến trật tự công cộng (như khai thác khoáng sản, đua xe trái phép…), nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Hơn nữa, để đảm bảo quyền sở hữu về tài sản thì chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phản biện mạnh mẽ đề xuất tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không thuộc sở hữu của người vi phạm. Ông cho rằng vi phạm hình sự còn nghiêm trọng hơn vi phạm hành chính mà còn chưa quy định tịch thu phương tiện thì vi phạm hành chính không nên quy định như vậy khi không chứng minh được người sở hữu hợp pháp có hành vi đồng lõa.

Tán thành quan điểm không nên tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không thuộc sở hữu của người vi phạm, nhưng ông Phùng Quốc Hiển nói: “Vẫn cần phải có cách xử lý như thế nào đó chứ không đơn giản là trả lại. Như trường hợp bố mẹ quản lý không nghiêm, để con vị thành niên sử dụng ô tô, xe máy, gây nguy hiểm cho xã hội chẳng hạn”. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bổ sung: “Tôi biết nhiều trường hợp chủ sở hữu phương tiện cố tình giao cho người khác lái xe chở gỗ lậu”...

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tiếp các Ðại sứ và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài

Chiều 9-4, tại Trụ sở QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp 25 Ðại sứ và Tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài mới được chỉ định. Chủ tịch QH chúc mừng các Ðại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài được Ðảng, Nhà nước tin tưởng chỉ định; cho đây là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề đòi hỏi các cán bộ ngoại giao không ngừng nỗ lực, phấn đấu phục vụ lợi ích của dân tộc, đất nước.


Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định quan điểm, chính sách đối ngoại của Ðảng cũng như tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước; và nhấn mạnh thành công của hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, tác động trực tiếp việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.



Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, công tác ngoại giao gắn liền với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Các Ðại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc góp phần hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Chủ tịch QH đề nghị các Ðại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao quán triệt các văn kiện, Nghị quyết của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI; nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Ðảng về công tác đối ngoại; phát huy toàn diện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xúc tiến mạnh mẽ các chương trình, dự án hợp tác song phương, đa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Chủ tịch QH lưu ý các Ðại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài quan tâm nhiều hơn việc thiết lập ngoại giao nghị viện, góp phần cùng các cơ quan của QH tạo dựng kênh đối ngoại nghị viện hiệu quả, thực hiện thành công chiến lược đối ngoại của Ðảng, Nhà nước; tích cực đẩy mạnh việc phát triển quan hệ ngoại giao nhân dân, tăng cường sự hiểu biết giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Các Ðại sứ và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH và các cơ quan của QH đối với công tác ngoại giao. Các Ðại sứ, Tổng lãnh sự hứa sẽ không ngừng phấn đấu, nỗ lực phát huy mạnh mẽ phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Đại sứ Romania và Iraq


Chiều 3/4, tại trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Đại sứ Romania Dumitru Olaru và Đại sứ Iraq Faris Al-Ani tới chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Tiếp Đại sứ Romania, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những đóng góp của Ngài Đại sứ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong nhiệm kỳ của Ngài Olaru, quan hệ giữa Việt Nam và Romania đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện. Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn và ghi nhớ sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của Romania trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc Nguyễn Sinh Hùng hội chúc mừng thành công của Ngài Đại sứ trong nhiệm kỳ công tác vừa qua và mong muốn Ngài Olaru sẽ tiếp tục dành tình cảm, ủng hộ quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.

Đại sứ Olaru cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian tiếp và cho rằng, quan hệ ngoại giao Romania và Việt Nam đã có bước phát triển tích cực trong thời gian vừa qua.

Đại sứ Romania cho biết, thời gian công tác tại Việt Nam đã để lại những kỷ niệm rất sâu sắc đối. Ông Olaru mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ song phương, góp phần không ngừng thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc trong tương lai.

Đại sứ Olaru cũng khẳng định, Romania đánh giá cao thành quả phát triển, xây dựng đất nước của Việt Nam. Đối với Romania, Việt Nam luôn là người bạn tin cậy và là đối tác tốt. Ngài Đại sứ cũng sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn để tăng cường, vun đắp cho mối quan hệ giữa hai quốc gia, hai dân tộc ngày càng phát triển tốt đẹp.

Tiếp Đại sứ Iraq tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Ngài Đại sứ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian qua.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng những thành tựu của nhân dân Iraq đã đạt được trong việc ổn định tình hình chính trị, tái thiết đất nước và phát triển nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước tăng cường quan hệ trao đổi đoàn cấp cao; hợp tác nhiều hơn nữa giữa hai Quốc hội và Chính phủ hai nước; tích cực phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội mong Ngài Đại sứ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.

Đại sứ Al-Ani bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự giúp đỡ của các cơ quan Việt Nam trong nhiệm kỳ công tác. Đại sứ khẳng định, Iraq luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam bởi đây là mối quan hệ truyền thống, lâu đời. Nhân dân Iraq luôn ngưỡng mộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đánh giá cao những tiềm năng của Việt Nam, Ngài Al-Ani mong muốn với kinh nghiệm sẵn có, Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào công cuộc tái thiết Iraq. Đại sứ Al-Ani khẳng định, sẽ tiếp tục dành những tình cảm tốt đẹp, luôn ủng hộ, tham gia vào việc củng cố quan hệ hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc ngày càng thu được những thành tựu mới trong tương lai vì hòa bình và thịnh vượng./.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 31-3 (tức mồng 10-3 Âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Ðền Hùng, UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Ðến dự buổi lễ, có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cùng đại biểu các ban, ngành ở trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân địa phương và các tỉnh, thành phố trong cả nước.


Ðúng 7 giờ, đoàn hành lễ từ sân trung tâm Lễ hội lên Ðền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh uy nghiêm, ngút ngàn linh khí. Ði đầu đoàn hành lễ là các chiến sĩ Quân đội Nhân dân rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước". Ði sau là 14 thiếu nữ mang hương, hoa, lễ vật và 100 nam, nữ thanh niên rước cờ Hội. Lễ vật dâng lên các Vua Hùng gồm hương, hoa, bánh chưng, bánh dày gắn với truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu hiếu thảo và quan niệm Trời tròn - Ðất vuông của cha ông ta.



Ðúng 7 giờ 30 phút, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng chính thức bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm và thành kính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch UBT.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Ðảm; lãnh đạo tỉnh và đại diện các tổ chức, đoàn thể tỉnh Phú Thọ cùng đại biểu các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành phố tiến hành các nghi lễ dâng hương, hoa, lễ vật, thắp hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính, tri ân các vị liệt tổ, liệt tông đã có công khai thiên lập quốc và cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ bình yên, đất nước thịnh vượng, trường tồn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc, Chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Thìn 2012, đọc Chúc văn tưởng niệm các Vua Hùng, bày tỏ lòng tự hào về truyền thống vẻ vang 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức, đồng thời kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; khẳng định lớp lớp các thế hệ con cháu Lạc Hồng sẽ luôn phát huy khí thế Hùng Vương, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Ðảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng giang sơn đất nước ngày càng hùng mạnh, phồn vinh, góp phần vì hòa bình hữu nghị trên toàn thế giới. Bài Chúc văn cũng thể hiện tâm tư, tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc, khích lệ tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, đoàn kết quốc tế; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự đoàn kết, gắn bó của cả dân tộc trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp.

Tiếp đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cùng đại biểu các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân đã đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Lăng Hùng Vương. Vòng hoa mang dòng chữ "Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước".

Ngay sau Lễ dâng hương, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cùng các đại biểu đã dâng hoa tại bức Phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn quân Tiên Phong". Lẵng hoa mang dòng chữ "Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy".

* Cùng ngày, tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (phường Bình Long, quận 9), Thành ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Thìn 2012. Ðến dự, có đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy thành phố; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND, UB MTTQ thành phố Hồ Chí Minh; các lão thành cách mạng, đại diện các sở, ban, ngành, nhân sĩ, trí thức, các vị chức sắc tôn giáo, đại diện Hội Người cao tuổi và đông đảo người dân thành phố. Tự hào về cội nguồn thiêng liêng và đất nước ngàn năm văn hiến, đồng bào thành phố nguyện sống xứng đáng với công ơn dựng nước của các Vua Hùng, tổ tiên và các bậc tiên hiền; tiếp tục giữ gìn và vun bồi truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nêu cao ý thức tự lực tự cường, tiếp tục công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

* Sáng 31-3, tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương, Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Bình Dương tổ chức Hội trại Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương với sự tham gia của hơn 20 võ sư, huấn luyện viên và 300 võ sinh. Trước đó, tại Công viên Dĩ An, Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Dĩ An phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã cùng các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thị xã tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương với sự tham gia của hơn 1.000 giáo viên, học sinh, đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn, các chức sắc tôn giáo, Hội Người cao tuổi cùng đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

* Chính quyền và nhân dân TP Ðà Nẵng đã làm lễ dâng hương tưởng nhớ công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước tại quận Hải Châu nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội đình làng Hải Châu lần thứ tư. Sau lễ dâng hương, chiêm bái tri ân các bậc tiên hiền là hoạt đông văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi mang đậm chất văn hóa tâm linh.

* Tại Ðền tưởng niệm Trường An thuộc xã Ðại Quang, huyện Ðại Lộc (Quảng Nam), chính quyền và nhân dân huyện đã tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, nhân dân. Trong niềm xúc động và tự hào, nhân dân huyện Ðại Lộc thành tâm hướng về đất Tổ thiêng liêng, kính cẩn tưởng niệm các Vua Hùng đã khai sáng đất nước Việt Nam; thành kính tri ân tổ tiên, vọng bái, dâng hương các bậc tiền bối hữu công, các anh hùng liệt sĩ.

* Tại Tiền Giang, từ sáng sớm 31-3, tại Nhà văn hóa phường 3, TP Mỹ Tho, đông đảo nhân dân đã đến dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hương tưởng nhớ tổ tiên. Buổi lễ diễn ra với các nghi thức truyền thống và do các cụ cao tuổi tại địa phương thực hiện. Các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thuyết Hùng Vương; bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân. Dịp này, các đoàn thể trong phường còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao.

* Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre tổ chức sáng 31-3 tại xã Bình Hòa (huyện Giồng Trôm). Lễ Giỗ gồm các nghi thức truyền thống và biểu diễn nghệ thuật đã thu hút hàng nghìn cán bộ và nhân dân địa phương tham dự.

* Ngày 31-3, tỉnh Kiên Giang tổ chức trọng thể lễ dâng hương Quốc Tổ Vua Hùng tại Ðền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở ấp Ðông Bình, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp. Hàng nghìn người dân trong tỉnh và các tỉnh bạn đã về dự lễ và dâng cúng nhiều đặc sản địa phương và các phẩm vật tự tay mình làm ra với lòng thành kính hướng về Quốc Tổ Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong thời gian diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ; thi đấu thể thao, v.v.

* Ngày 31-3, tỉnh Khánh Hòa tổ chức dâng hương; lễ hội tri ân công đức của Ðức Quốc Tổ Hùng Vương tại Ðền Hùng Vương, tọa lạc tại 173 Ngô Gia Tự, phường Tân Lập, TP Nha Trang. Lễ Giổ Tổ Hùng Vương được thực hiện theo nghi thức truyền thống của dân tộc. Ðông đảo nhân dân đã đến dâng hương; bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với các Vua Hùng và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phong phú, thiết thực.

* Nhiều địa phương tỉnh Kon Tum đã tổ chức Lễ Giỗ Tổ theo nghi lễ truyền thống.

Tại đình Lương Khế, ngôi đình cổ nhất ở Kon Tum, hàng nghìn người dân các phường Thắng Lợi, Quyết Thắng và nhân dân trong vùng đã dâng các sản vật lên Quốc Tổ với lòng thành kính. Ở một số khu dân cư, người dân cũng tự nguyện đem lễ vật đến các đình làng, am linh tự để thắp hương tưởng nhớ đến Ðức Quốc Tổ Hùng Vương, các bậc tiên hiền đã có công khai khẩn lập đất, anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước... cầu quốc thái dân an.

* Ngày 31-3, tại đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, khu du lịch thác Prenn (TP Ðà Lạt), tỉnh Lâm Ðồng tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ. Với sự chủ trì của lãnh đạo Tỉnh ủy, HÐND, UBND. Ðông đảo đại diện các ban, ngành, các tầng lớp nhân dân địa phương và du khách đã tham dự lễ giỗ. Cùng ngày, tại đền thờ Vua Hùng ở phường 6, TP Ðà Lạt, và nhiều đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương tại các huyện, thị khác của Lâm Ðồng, người dân cũng đã long trọng tổ chức Quốc giỗ với nhiều nghi thức long trọng và các hoạt động văn hóa truyền thống.