Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị triển khai công tác năm 2012 giữa UBTVQH và UBTƯMTTQ Việt Nam

Chiều 7/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã chủ trì hội nghị triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác năm 2012 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa hai bên trong năm 2011, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim đánh giá hoạt động phối hợp đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi bên, nhất là trong việc hướng dẫn, chỉ đạo chung về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Toàn cảnh hội nghị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường phối hợp mở rộng và phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Phối hợp trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan chủ động phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia ý kiến vào nhiều dự án luật.

Công tác đổi mới và nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân luôn được hai bên chú trọng. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng đôn đốc, giám sát giải quyết…

Một trong những trọng tâm phối hợp công tác năm 2012 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tăng cường phát huy dân chủ trong đời sống xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Hai bên tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; động viên, thu hút đông đảo nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước… Bên cạnh đó, phối hợp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri cử tri; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị…

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong năm 2012, đồng thời cho rằng,thời gian tới, công tác phối hợp cần tiếp tục được đổi mới, đảm bảo thực chất, hiệu quả, căn bản và có chiều sâu hơn nữa, khắc phục tình trạng chung chung, hình thức.

Các đại biểu đề xuất cần tìm ra những khía cạnh mới trong hoạt động phối hợp, đáp ứng yêu cầu công tác của hai bên và những đòi hỏi của cuộc sống với mục tiêu lớn nhất là vì nhân dân. Công tác phối hợp cần có trọng tâm, trọng điểm, đề ra được các giải pháp, xây dựng được các chuyên đề…

Quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, góp phần đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, nhân dân cả nước; phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm nhấn mạnh những kết quả quan trọng của đất nước trong năm qua có phần đóng góp trực tiếp, ý nghĩa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong đó, nổi bật là phối hợp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính quyền các cấp qua đó tăng cường phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc.

Điều này càng thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, thiết thực hơn giữa hai bên, góp phần thúc đẩy mỗi cơ quan thực hiện tốt hơn vai trò của mình, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường đối ngoại, vượt qua những khó khăn thách thức, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý trong chương trình phối hợp công tác năm 2012, hai bên cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chú trọng vận động nhân dân tham gia công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước; coi trọng, phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, quốc kế dân sinh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tích cực tham gia các cuộc vận động lớn của Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là trong thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi Quy chế phối hợp theo tinh thần hoạt động của Mặt trận Tổ quốc gắn bó với hoạt động của Quốc hội; đổi mới các hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, đảm bảo thực chất để hiểu sâu và nắm chắc tình hình…/.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Tạo bước đột phá trong giáo dục đào tạo

Ngày 9/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia hoàn thiện dự án Luật Giáo dục đại học, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tập trung phân tích, đánh giá ưu điểm, cũng như những hạn chế của dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành Luật Giáo dục đại học có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết, nhằm tạo một bước phát triển mới của nền giáo dục đào tạo Việt Nam, nhất là ở bậc đại học.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý… đóng góp cùng các cơ quan soạn thảo, thẩm tra chuẩn bị một cách chu đáo nhất để dự án Luật Giáo dục đại học nhận được sự đồng tình, nhất trí cao khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua. Bên cạnh hệ thống các quy phạm pháp luật, Dự luật được ban hành còn phải đảm bảo tính khả thi trong tổ chức, thực hiện; đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác giáo dục của đất nước.

Dự án Luật Giáo dục đại học đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện một bước trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (5/2012).

Với tâm huyết và kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, quản lý và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực giáo dục đại học, các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, góp ý kiến về 6 vấn đề chủ yếu: Mô hình tổ chức, hoạt động và việc phân tầng, phân loại các cơ sở giáo dục đại học; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học về tổ chức-nhân sự, kế hoạch-tài chính, về các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học; xã hội hóa giáo dục đại học, vấn đề lợi nhuận, phi lợi nhuận của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó là việc bảo đảm và kiểm định chất lượng; tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; quyền và nghĩa vụ của người học; quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Theo giáo sư Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, xã hội mong chờ Luật Giáo dục đại học ban hành sẽ có tác dụng thật sự vào việc chấn chỉnh, củng cố, phát triển nền giáo dục đại học nước nhà, góp phần tạo nên bước đột phá trong tiến trình thực hiện chiến lược công nghiệp hóa-hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Giáo sư Đặng Hữu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường đại học Quốc tế Bắc Hà nhấn mạnh: Điều cốt yếu nhất trong Luật là xác định đúng vị trí của đại học trong sự phát triển của đất nước, làm rõ sứ mệnh, trách nhiệm xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tự do sáng tạo, phát huy hết mọi khả năng để góp phần đổi mới và phát triển đất nước.

Tư tưởng xuyên suốt của dự án Luật này là tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Các đại biểu đều nhấn mạnh đây là thuộc tính cơ bản và là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay.

Theo giáo sư Đặng Hữu, đây là điều kiện tiên quyết để đại học thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình, cần được khẳng định rõ ràng trong Luật. Trường phải được tự chủ về mọi mặt hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước xã hội, trước pháp luật mới phát triển được.

Phó giáo sư, tiến sỹ Dương Văn Sao, Đại học Công đoàn cho rằng, nếu cơ sở giáo dục đại học không có quyền tự chủ thì không thể chủ động, sáng tạo trong hoạt động giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, tự chủ nếu không trong khuôn khổ quy định của pháp luật, không có sự quản lý của nhà nước, không dựa trên cơ sở định hướng phát triển giáo dục đại học… thì dễ dẫn đến tình trạng chạy theo lợi ích, không đảm bảo chất lượng, không xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực.

Phó giáo sư Sao đề nghị Luật cần quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm thực hiện đúng pháp luật và các chương trình, kế hoạch công tác giáo dục, đồng thời tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình nhằm hạn chế những tiêu cực.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Tổng thư ký Hội đồng quốc gia giáo dục nêu ý kiến: Cơ chế tự chủ không thể hiểu là tự do, tự trị hoàn toàn của trường, mà tự chủ theo quy định của pháp luật gắn với các trách nhiệm với Nhà nước, người học, xã hội và chính nội bộ trường. Khung pháp lý cho cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học cần được chế định thật rõ, thể hiện sự cụ thể hóa và kết hợp 3 nội dung: Quản lý nhà nước; vai trò của cơ chế thị trường; tự chủ quản trị của trường, về 3 phương diện: Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức, biên chế, nhân sự và tài chính.

Đồng tình với nội dung quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của dự thảo Luật, nhưng giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Bảo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho rằng, không nên tiến hành đồng loạt các trường mà giao quyền hạn trên cơ sở phân loại, đánh giá đúng năng lực và các điều kiện cần thiết của cơ sở.

Từ đó tiến hành giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học với mức độ khác nhau tự chủ hoàn toàn, tự chủ hạn chế hoặc chưa được tự chủ mà phải có thêm thời gian để chuẩn bị, đầu tư. Nghị định dưới luật sẽ quy định rõ điều kiện, tiêu chí cần thiết với những bước đi thích hợp cho các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Hương cho rằng, cần quy định cụ thể nội dung này ngay trong Luật mà không chờ các quy định, quy phạm dưới Luật. Việc mở rộng quyền tự chủ sẽ tăng cơ hội cho các trường phát triển, cạnh tranh, bình đẳng và nâng cao chất lượng đào tạo./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tăng cường quan hệ hợp tác Quốc hội VN-Myanmar

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định rằng Quốc hội Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Quốc hội Myanmar trên phương diện song phương và đa phương.

Sáng 7/2, tiếp Tổng Kiểm toán Liên bang Myanmar, ngài Lunn Maung nhân dịp sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa cơ quan Kiểm toán Nhà nước hai nước, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam và Myanmar.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng Myanmar đã tổ chức thành công cuộc bầu cử vừa qua; cho rằng đây là một bước tiến mới trong đổi mới, hòa hợp dân tộc, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Bày tỏ sự vui mừng trước kết quả hợp tác tốt đẹp giữa Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với Cơ quan Tổng Kiểm toán Liên bang Myanmar, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị hai bên cần thực hiện tốt các thỏa thuận đã đạt được; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm hoạt động chuyên môn, đặc biệt là việc qui định địa vị pháp lý của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lan rộng toàn cầu, các mối quan hệ tài chính-kinh tế ngày càng phức tạp, những vi phạm tài chính-kinh tế với quy mô ngày càng lớn khiến vai trò của Kiểm toán càng trở nên quan trọng. Vì vậy việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan Kiểm toán Nhà nước trên thế giới và trong khu vực, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau là hết sức cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngành Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hợp tác, phối hợp với Kiểm toán Myanmar, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia.

Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng Kiểm toán Liên bang Myanmar, ngài Lunn Maung cho rằng, kể từ khi Myanmar và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ song phương giữa hai nước cũng đã không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Ngài Tổng kiểm toán cũng cho biết Myanmar đã thiết lập được một chính quyền dân chủ, trên con đường phát triển, xây dựng đất nước, mặc dù còn rất nhiều khó khăn. Nhà nước Myanmar sẽ quyết tâm, nỗ lực vượt qua những khó khăn đó và luôn mong muốn có sự hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác kiểm toán.

Ngài Lunn Maung hy vọng, Việt Nam quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phát triển quan hệ hợp tác với Myanmar; cơ quan Kiểm toán hai nước cũng sẽ không ngừng đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia./.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng trao Huân chương Hồ Chí Minh cho tỉnh Thái Nguyên

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh – Phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Sáng 3/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự lễ kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2012), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và tổng kết phong trào thi đua yêu nước của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Nhiệt liệt chúc mừng những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đạt được, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng là dịp để ôn lại chặng đường vẻ vang và hào hùng của dân tộc ta và của tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gắn Huân chương Hồ Chí Minh lên lá cờ truyền thống của tỉnh Thái Nguyên

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, suốt chặng đường lịch sử hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết nên những trang sử vàng oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta.

Nhấn mạnh đến thời cơ mới, vận hội to lớn để phát triển đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thái Nguyên cần bám sát tình hình thực tiễn để đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu; tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng đô thị và nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tỉnh đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nâng cao chất lượng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, sự đồng thuận trong toàn xã hội, coi đây là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

Nhân dịp kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội đã tới dâng hương, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ trong Khu Di tích lịch sử ATK Định Hóa.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới thắp hương tại Đài tưởng niệm 60 Anh hùng liệt sỹ thanh niên thuộc phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên; tới thăm công trường thi công dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, huyện Đại Từ; tới chúc mừng và động viên Đảng bộ, công nhân viên, người lao động Hợp tác xã Công nghiệp và vận tải Chiến công, thị xã Sông Công.

Nguyên Vũ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự Kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng CSVN

Chủ tịch Quốc hội biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những đóng góp to lớn của Thái Nguyên vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc.

Sáng 3/2, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng CSVN và tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2011. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến dự, phát biểu ý kiến và trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên do Nhà nước trao tặng.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam trao phần thưởng cao quý, Huân chương Hồ Chí Minh cho nhân dân và cán bộ tỉnh Thái Nguyên.
Tại Lễ mít tinh, đồng chí Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đọc diễn văn ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang 82 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và nêu rõ sự đóng góp tích cực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên qua các chặng đường lịch sử của cách mạng.

Phát biểu tại mít tinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Trong suốt chặng đường lịch sử 82 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết nên những trang sử vàng oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân ta đã dành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước và ngày nay đang thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trang vàng lịch sử Việt Nam mãi khắc ghi Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là Thủ đô kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đóng góp quan trọng cùng toàn quân và toàn dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên khi bước sang thời kỳ đổi mới, đã phát huy được truyền thống cách mạng, chủ động, sáng tạo khơi dậy những tiềm năng, lợi thế của địa phương và huy động được sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đã giành được thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sự đổi thay to lớn trên quê hương cách mạng. Kinh tế của Tỉnh phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; các mặt văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ…

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chúc mừng những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những đóng góp to lớn của Thái Nguyên vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh là dịp để chúng ta cùng nhau tự hào ôn lại chặng đường vẻ vang và hào hùng của dân tộc ta và của tỉnh Thái Nguyên, truyền tiếp cho các thế hệ mai sau truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập để biến niềm tự hào đó thành sức mạnh, thành hành động của mỗi tổ chức Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, đưa tỉnh Thái Nguyên tiến nhanh hơn, bền vững hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong giai đoạn phát triển tới, tỉnh Thái Nguyên cần bám sát tình hình thực tiễn để đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu; tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng đô thị và nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội cũng mong Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên thực hiện tốt hơn các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp, giáo dục đào tạo, trung tâm vùng trung du miền núi Bắc Bộ và trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trước đó, đầu giờ sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đến thắp hương tưởng niệm và tham dự Lễ phát động trồng cây đầu xuân của tỉnh Thái Nguyên tại Khu di tích lịch sử tưởng niệm Đại đội thanh niên xung phong 915 tại Lưu Xá, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên./.

Sông Thao/Trung tâm tin