Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị Góp ý kiến kiểm điểm tự phê bình và phê bình

Chiều 18.5, tại trụ sở VPQH, Đảng đoàn QH đã tổ chức Hội nghị Góp ý kiến kiểm điểm tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Bí thư Đảng đoàn QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và một số nguyên Lãnh đạo QH tới dự.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có ý nghĩa rất quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm. Chủ tịch QH cho rằng, trong 4 nhóm giải pháp lớn mà Nghị quyết đã đề ra, thì giải pháp trọng tâm là phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình của tập thể cấp ủy và từng cá nhân trong cấp ủy nhằm chỉ rõ thực trạng, những yếu kém, khuyết điểm và giải pháp để khắc phục các vấn đề cấp bách ở từng tổ chức Đảng, từng cán bộ lãnh đạo; nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp trên. Việc tự phê bình và phê bình phải được tiến hành nghiêm túc, thực chất và thực hiện từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau; người đứng đầu kiểm điểm trước, các thành viên khác kiểm điểm sau. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các nguyên Lãnh đạo QH thẳng thắn và khách quan đóng góp ý kiến để Đảng đoàn QH thực hiện tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng đoàn và phát huy vai trò gương mẫu của các thành viên Đảng đoàn QH.

Với tinh thần thẳng thắn, chân thành, khách quan và xây dựng, các ý kiến tại Hội nghị đã tập trung vào 3 vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Một là, việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Hai là, về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ gắn với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Theo DBND

0 nhận xét:

Đăng nhận xét