‘Giá điện, xăng còn xa mới thả được cho thị trường’

Nhà nước tiếp tục giữ quyền định giá, thực hiện bình ổn với nhiều mặt hàng cơ bản theo dự Luật Quản lý giá sắp được trình Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này không phù hợp để tiến tới cơ chế giá thị trường.

Từ gần một năm nay, dự thảo Luật Quản lý giá đã được Bộ Tài chính, Quốc hội và các cơ quan khác của Chính phủ xây dựng, thảo luận nhưng chưa thể đi đến thống nhất. Để kịp trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thậm chí đã phải đề xuất dành thêm thời gian cho Bộ Tài chính xây dựng lại 4 điều liên quan đến việc định giá của Nhà nước, mặc dù chương trình thảo luận về dự án luật này của Thường vụ Quốc hội lẽ ra phải kết thúc trong ngày 11/4.



Sau nhiều lần cho ý kiến, mâu thuẫn lớn nhất còn lại giữa các cơ quan xây dựng và thẩm định luật chính vẫn là việc Nhà nước sẽ can thiệp đến đâu, như thế nào tới điều hành giá, thông qua phân loại các nhóm mặt hàng: Nhóm nào được đưa vào diện bình ổn (Nhà nước có thể can thiệp bằng kinh tế, hành chính… khi có diễn biến bất thường), nhóm nào Nhà nước kiên quyết giữ quyền định giá (giá chính xác, giá trần, giá sàn)…

Xăng dầu (thành phẩm) và điện được coi là những ví dụ điển hình nhất về ý kiến trái chiều của các cơ quan chức năng trong việc điều hành giá. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mặt hàng này vừa thuộc danh mục hàng hóa bình ổn, vừa thuộc nhóm do Nhà nước định giá chính xác. Người có quyền ra quyết định định giá là Bộ trưởng Tài chính hoặc cấp tương đương.

Đề xuất này khiến nhiều đại biểu, trong đó có cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thắc mắc. Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ông Hùng cho rằng Việt Nam đang cố gắng điều hành giá nhiều mặt hàng cơ bản theo hướng thị trường. Như vậy, việc đưa ra quy định mà Nhà nước là cơ quan duy nhất có quyền định giá là tương đối “khó nghe”.

“Riêng như chuyện xăng dầu, cố gắng lắm ta mới điều hành được theo hướng thị trường một chút. Nhưng luật ra đời theo hướng này thì Nghị định 84 phải chăng là bỏ?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Chia sẻ quan điểm với Chủ tịch, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý rằng việc điều hành giá cần tuân thủ các nguyên tắc cam kết quốc tế, đồng thời không đi ngược lại luật doanh nghiệp, trong đó quy định “doanh nghiệp có quyền tự do định giá. Trong khi đó, theo đề xuất của Bộ Công Thương, do đã có quy định tại Nghị định 84 nên chỉ cần đưa xăng dầu vào danh mục bình ổn, Nhà nước không nhất thiết phải giữ quyền định giá.

Lý giải về đề xuất này tại phiên làm việc của Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Trần Văn Hiếu cho biết Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cơ chế giá thị trường, nhưng chưa hoàn chỉnh. Trong vài năm tới, rất khó xóa tình trạng độc quyền ở một số mặt hàng như xăng dầu và đặc biệt là điện. Do vậy, Nhà nước trước mắt vẫn cần giữ quyền định giá chính xác, hoặc đặt ra giá trần, giá sàn để đảm bảo doanh nghiệp không thể thao túng giá. “Tuy nói là định giá nhưng Nhà nước luôn cố gắng để điều hành mức giá này sao cho sát nhất với thị trường”, ông Hiếu cam kết.

Tuy vậy, tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ cân nhắc khả năng đưa xăng dầu ra khỏi danh mục Nhà nước định giá, chỉ giữ lại ở nhóm bình ổn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu đề nghị giữ nguyên việc định giá với điện bởi đây hiện vẫn là mặt hàng độc quyền tại Việt Nam.

Chia sẻ với đề xuất này nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tuy chưa có giá thị trường thực sự hoàn chỉnh đối với một số mặt hàng nhưng Việt Nam cũng không còn ở thời kỳ “bao cấp”. Do vậy, việc thiết kế luật giá cần có “tính mở” để dần hướng tới việc đình giá theo thị trường.

Ngoài ra, ông Hùng cũng lưu ý đến phản hồi của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (Eurocham, Amcham…) xung quanh việc đăng ký giá. Theo đó, việc xây dựng luật cần đảm bảo đúng theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO. Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ Tài chính, thắc mắc của các hiệp hội nêu trên chủ yếu liên quan đến vấn đề giá sữa. Trong khi đó, việc đăng ký giá này là khá phổ biến theo thông lệ quốc tế và không vi phạm cam kết WTO. Do vậy, việc đăng ký và yêu cầu tuân thủ giá đăng ký sẽ tiếp tục được quy định trong dự luật sắp tới.

Nhật Minh

1 nhận xét:

Unknown nói...

haii giá điện cao quá tội dân
hạt điều mật ong

Đăng nhận xét