Nghiên cứu lại các quy định pháp lý về khái niệm văn bản QPPL


Sáng 11.1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình phiên họp thứ năm, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của hội đồng nhân dân (HĐND), uỷ ban nhân dân (UBND), UBTVQH cho rằng, nhìn chung việc thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL 2004 được các địa phương chú trọng triển khai đồng bộ, thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, hoạt động ban hành văn bản QPPL vẫn còn một số hạn chế như hệ thống luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước ở địa phương...

Từ các ý kiến của các thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý: Nghị quyết cần nêu rõ giao Chính phủ khẩn trương tổng kết việc thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL 2004; quy định rõ HĐND, UBND bảo đảm hình thức, trình tự, thủ tục, nội dung, hợp hiến, hợp pháp, không trái các văn bản cấp trên. HĐND, UBND các cấp không được dùng công văn, thông báo để đề ra các nội dung mang tính QPPL.

Cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, dự thảo nghị quyết cần được bổ sung, hoàn thiện theo hướng làm rõ hoạt động giám sát của HĐND trong việc ban hành văn bản QPPL; nghiên cứu lại các quy định pháp lý về khái niệm văn bản QPPL, thẩm quyền và vị trí pháp lý của văn bản được ban hành. Đồng thời phải đưa ra biện pháp để kịp thời kiểm soát các loại văn bản QPPL do các ngành, các cấp ban hành.

Lê Đỗ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét