Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nông nghiệp là vấn đề quốc sách


Được mùa mất giá và người nông dân không được tiếp cận sâu với khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp là những lo lắng mà nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát trong phiên chất vấn chiều nay (23.11).

ctqh nguyen sinh hung nd Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nông nghiệp là vấn đề quốc sách

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nông nghiệp là vấn đề quốc sách

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hầu như chủ yếu ghi nhận ý kiến của các ĐB để rà soát lại và có chỉ đạo sâu sát hơn.

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống người nông dân là vấn đề trọng đại của đất nước. Bởi lẽ trên 70% dân số VN ở nông thôn và là người nông dân. Vấn đề lớn đặt ra cho Bộ NN-PTNT là giữ cho được 3,8 triệu đất sản xuất lúa trên cả nước và tiết giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

ĐB Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) lo lắng, đời sống người nông dân hiện nay rất bấp bênh vì luôn trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá”.

Theo đó, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị bộ trưởng có giải pháp để quản lý giá vật tư đầu vào và giá sản phẩm đầu ra, có hệ thống “mua tận gốc bán tận ngọn” trong sản xuất nông nghiệp để người nông dân không thiệt thòi, không bị ép giá. ĐB Khá cũng chất vấn bộ trưởng về giải pháp trước tình hình nông sản (nhất là rau quả) đang nhập tràn lan vào VN và trong số đó có cả sản phẩm không kiểm soát được chất lượng.

Bộ trưởng cho rằng nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên phải tuân thủ các quy định của quốc tế chứ không thể đặt ra rào cản thương mại với hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đang điều chỉnh hơn 1.000 quy định để đảm bảo chất lượng nông sản nhập khẩu vào VN.

Còn về ý kiến có hệ thống phân phối “mua tận gốc bán tận ngọn” đối với nông sản của người dân, bộ trưởng cho rằng hiện nay kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường nên việc vận hành hệ thống thu mua sẽ không phù hợp mà Bộ NN-PTNT sẽ đảm bảo quyền lợi cho người nông dân bằng việc theo dõi diễn biến thị trường trong nước để điều chỉnh các chính sách, đảm bảo nông dân có lãi trên 30%.

Trước sự cạnh tranh của nông sản nhập khẩu, nhiều ĐB cũng lo lắng về việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản VN.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (tỉnh Bạc Liêu) chất vấn bộ trưởng về tình trạng lạm dụng sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón trong sản xuất nông nghiệp. Điều này đã làm nông phẩm VN không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khó đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về kiểm định chất lượng để vào các thị trường khó tính. ĐB Hoàng đề nghị nghị bộ trưởng làm rõ trách nhiệm trong việc này và cần nêu lên các giải pháp tạo điều kiện nâng chất lượng nông sản để nông sản VN vào được các thị trường khó tính.

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình, nhiều năm liên tục Bộ NN-PTNT luôn lấy chủ đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm trọng tâm. Bộ vẫn đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý hóa chất từ nguồn nhập khẩu (chỉ cho phép hóa chất an toàn vào VN và đặc biệt quản lý, ngăn chặn buôn lậu); tổng kiểm tra trên cả nước tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; đề nghị địa phương triển khai quyết liệt, đưa ra quy trình sản xuất tốt để hướng dẫn bà con nông dân.

“Đúng là mình làm chưa tốt nhưng chúng tôi đang rất quyết tâm và đang cố gắng làm cho nông sản VN đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhìn nhận.

Bên cạnh đó, ĐB Học nêu vấn đề: Để tư vấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho người nông dân đã có vai trò của các viện nghiên cứu, trung tâm thú y, giống cây trồng vật nuôi. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các đơn vị này với người nông dân là quá xa nên người nông dân thiếu chuyên môn và kiến thức khoa học trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, ĐB Học đề nghị bộ trưởng cần có ý kiến về vấn đề này.

Song song đó, các ĐB cũng quan tâm đến vấn đề giữ đất nông nghiệp. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị bộ trưởng trình bày giải pháp căn cơ nhất để giữ được 3,8 triệu hecta đất nông nghiệp.

Câu hỏi này đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường tiếp sức trả lời cho ĐB.

Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận hầu hết các ý kiến và hứa sẽ cải tiến. “VN là một trong những vùng trồng lúa nước trên thế giới. Nền nông nghiệp của nước ta chỉ phát triển khi chúng ta phát huy những gì là thế mạnh của nước ta. Cây lúa là thế mạnh của nước ta. Chúng ta phải giữ gìn mảnh đất màu mỡ cho cây lúa phát triển. Mảnh đất này đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố và chúng ta phải bảo vệ”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kết luận.

 


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét