Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trả lời chất vấn trước Quốc hội


Chiều 24/11, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề như lộ trình điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, biện pháp giảm bội chi và nợ công nhằm đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, việc quản lý điều hành giá, trong đó có các mặt hàng điện, than cần kiên trì nguyên tắc thị trường có sự quản lý nhà nước, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, hạch toán đầy đủ chi phí vào giá thành, bảo đảm doanh nghiệp có mức lãi phù hợp, không bao cấp tràn lan thông qua bù chéo.

Bộ trưởng lấy dẫn chứng, do bù chéo giá điện cho thép, xi măng, năm 2010, ngành điện đã bao cấp 2.547 tỷ đồng.

BAC0228 Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo cụ thể về tình hình lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra

Lấy ví dụ cho những khó khăn của EVN khi giá bán điện ở mức thấp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2010 theo số liệu kiểm toán, EVN lỗ hơn 8.000 tỷ đồng do mua điện giá cao, lỗ 15.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Giá điện năm 2012 theo phương án tính toán dự kiến có thể sẽ tăng 4,6 %. Tuy nhiên, giá điện bán cho hộ nghèo vẫn giữ như hiện nay, với hộ tiêu thụ điện mức trung bình, mức tăng sẽ ở mức bình quân.

Về kinh doanh xăng dầu, dẫn báo cáo kết quả kiểm toán trong ba năm từ 2008 – 2010, Bộ trưởng  cho biết năm 2008 Petrolimex đã lãi từ kinh doanh xăng dầu 642 tỷ đồng. Năm 2009, kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỷ đồng. Năm 2010, doanh nghiệp này  lỗ 172 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo cụ thể về hình lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra.

Bộ trưởng khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu cần kiên trì thực hiện theo Nghị định 84/ 2009/NĐ-CP, tới đây Nghị định này sẽ được sơ kết, đánh giá. Một số bất cập của Nghị định sẽ được điều chỉnh như chu kỳ điều chỉnh giá, điều chỉnh lại định mức, quy định chặt chẽ hơn về chiết khấu bán hàng cho các đại lý…

Làm rõ thêm các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là lỗ, lãi của Tổng công ty Xăng dầu Petrolimex, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Petrolimex được hoạt động 5 lĩnh vực, trong đó có kinh doanh xăng dầu. Từ năm 2008 đến 2010, nhìn chung Petrolimex kinh doanh có lãi, riêng với kinh doanh xăng dầu là lỗ. Tuy nhiên, do doanh nghiệp này không giải thích cặn kẽ, chi tiết đã khiến dư luận hiểu nhầm là kinh doanh xăng dầu có lãi.

Làm rõ hơn lộ trình đưa các mặt hàng theo giá thị trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng đều xác định lộ trình tiếp cận giá thị trường của các mặt hàng, đồng thời xem xét đến yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô và khả năng chịu đựng được của người tiêu dùng cũng như của nền kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, nếu không đưa giá các mặt hàng sát với giá thị trường, sẽ không thể xóa được độc quyền vì không thu hút được các doanh nghiệp khác tham gia. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt nhằm hình thành thị trường cạnh tranh về xăng dầu. Tuy nhiên, việc làm này cũng cần tiến hành theo từng bước đi thận trọng. Giá bán điện bình quân hiện nay 5,6 cent/ 1kWh, rất thấp so với mặt bằng giá đầu vào và giá đầu ra của các nước trong khu vực, đồng thời cũng thấp hơn nếu so với chi phí 9,6 cent/1kWh theo Tổng sơ đồ điện 7.

Nợ thấp hơn chỉ tiêu trình Quốc hội

Về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2011, nợ Chính phủ ở mức 43,6% GDP; nợ quốc gia ở mức 41,5%;  nợ  công ở mức 54,6%.  Các con số này đều thấp hơn chỉ tiêu trước đó trình Quốc hội: trên cơ sở GDP tăng 6%, nợ Chính phủ sẽ là 46,1%, nợ quốc gia 44,2%, nợ công 58,4%.

Cho biết nợ công là vấn đề hệ trọng đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh một số nước châu Âu đang lâm vào khủng hoảng do nợ công, đồng thời nợ công của Việt Nam đang gia tăng trong một số năm gần đây, song Bộ trưởng khẳng định nợ công của Việt Nam đang ở mức an toàn. Về cơ cấu, nợ công của Việt Nam có tỷ lệ lớn là ODA và vay ưu đãi, đây chính là điểm khác so với nợ công  của các nước. Cụ thể, 79% là vay ODA, 7% vay thương mại và 19% vay có  ưu đãi.

Vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới thời hạn 40 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 0,75%. Vốn vay  của Ngân hàng châu Á có thời hạn 30 năm, ân hạn 10 năm, lãi suất 1%. Vốn vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, thời gian ân hạn 10 năm, lãi  suất 1-2%.

Bộ trưởng cho biết, tổng chi phí trả nợ cả gốc và lãi hiện tương đương khoảng 15% tổng vốn ngân sách, trong khi ngưỡng an toàn của thế giới là 30%. Và trong 15% đó, ngân sách chỉ trả 13,5%, còn 1,5% do các nhà đầu tư trả.

Để nợ công an toàn, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ một số giải pháp. Trong đó, để tăng cường năng lực quản lý nợ công, Bộ đã thành lập Cục Quản lý nợ để quản lý, tăng cường phân tích dự báo, tăng cường quản lý rủi ro của danh mục nợ, trong đó có quản lý rủi ro về tỷ giá, rủi ro lãi suất…

Ngoài các giải pháp trên, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường kiểm tra kiểm soát, đặc biệt với các khoản vốn Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Liên quan đến thu nhập của lao động ngành điện năm 2009 là 7,3 triệu đồng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, đánh giá thu nhập của lao động ngành điện ở mức cao hay thấp cần căn cứ vào 3 yếu tố, gồm: so sánh với thu nhập bình quân của người lao động làm công ăn lương của cả nước; so sánh cùng loại hình sản xuất kinh doanh; so sánh cùng khu vực doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, EVN là doanh nghiệp nhà nước, khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình Công ty TNHH 1 thành viên, theo quy định, đơn giá tiền lương do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định, bản thân Tập đoàn không quyết định được vấn đề này.

Đối với các công ty thành viên, các đơn vị xây dựng phương án tiền lương và báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để xem xét.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, lãnh đạo EVN khi công bố con số tiền lương lẽ ra phải phân tích chi tiết hơn, sẽ nhận được sự chia sẻ của dư luận. Ví dụ, phụ cấp an toàn điện, phụ cấp độc hại nguy hiểm… của người lao động đã chiếm 25% thu nhập nói trên, tức 1,9 triệu trong 7,3 triệu đồng. Lao động trong ngành điện được xếp vào nhóm 5, nhóm phụ cấp độc hại nguy hiểm nhất bởi luôn có nguy cơ xảy ra mất an toàn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, năm 2011, kế hoạch lỗ của EVN trên 11.000 tỷ đồng, nhưng hết 9 tháng lỗ thực với sản xuất điện chỉ ở mức 680 tỷ đồng. Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi như lũ về nhiều từ tháng 4, song đây cũng là nỗ lực lớn của EVN.

Linh Đan


(Theo website Nguyễn Sinh Hùng)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét